Quy định mới về thủ tục thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính

Ngày 21/3/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 18/2023/TT-BTC quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, bù trừ số tiền nộp phạt chênh lệch, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính (Thông tư 18).

Theo đó, kể từ ngày 5/5/2023 Thông tư 18 có hiệu lực thay thế Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013 và Thông tư số 105/2014/TT-BTC ngày 7/8/2014 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 153/2013/TT-BTC. Trong đó, có một số quy định đáng chú ý như sau:

Về phạm vi điều chỉnh: Thông tư 18 hướng dẫn về thủ tục thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính (VPHC) và tiền chậm nộp phạt VPHC; cách tính và thực hiện bù trừ số tiền nộp phạt chênh lệch (nếu có) trong trường hợp có quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc ban hành quyết định mới trong xử phạt VPHC. Biên lai thu tiền phạt VPHC theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 21 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC (sau đây gọi là biên lai thu tiền phạt), nội dung, hình thức biên lai thu tiền phạt, tổ chức in, phát hành, quản lý và sử dụng biên lai thu tiền phạt. Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ xử phạt VPHC (sau đây gọi là lực lượng xử phạt), trừ các lực lượng có chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Chi cục Thuế khu vực Ninh Sơn - Bác Ái hướng dẫn người dân nộp thuế. Ảnh: K.Hân

Về đối tượng áp dụng, bao gồm: Tổ chức, cá nhân bị xử phạt VPHC. Người có thẩm quyền xử phạt VPHC. Kho bạc nhà nước, cơ quan thuế. Cơ quan, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ liên quan đến xử phạt VPHC. Cơ quan, đơn vị, cá nhân khác có liên quan đến việc thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và quản lý, sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt.

Về thủ tục thu, nộp tiền phạt VPHC, Điều 3 Thông tư số 18 xác định thời điểm người vi phạm đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt tương ứng với 2 hình thức nộp tiền phạt (tiền mặt và chuyển khoản). Trong đó, đối với trường hợp nộp tiền phạt bằng tiền mặt trực tiếp, ngày xác định người nộp tiền phạt đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt là ngày Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính công ích hoặc người có thẩm quyền thu phạt theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP xác nhận trên chứng từ thu, nộp tiền phạt. Trường hợp nộp tiền phạt bằng hình thức chuyển khoản, ngày xác định người nộp tiền phạt đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt là ngày người nộp tiền phạt nhận được thông báo giao dịch tiếp nhận khoản tiền nộp phạt thành công từ ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính công ích để nộp vào ngân sách nhà nước.

Đối với quy định về chứng từ nộp tiền phạt theo hình thức chuyển khoản: Khoản 4, Điều 4 Thông tư số 18 quy định, khi nộp tiền phạt theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP, chứng từ thu, nộp tiền phạt phải thể hiện rõ nội dung nộp phạt VPHC, số quyết định xử phạt, ngày ra quyết định xử phạt, tên cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt; sau khi nộp phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt xuất trình hoặc gửi chứng từ thu, nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt để nhận lại các giấy tờ tạm giữ theo quy định.

Bên cạnh đó, tại Khoản 1, Điều 6 Thông tư 18 còn quy định cụ thể cách tính và thực hiện bù trừ số tiền nộp phạt chênh lệch. Theo đó, việc tính số tiền nộp phạt chênh lệch trên cơ sở so sánh số tiền nộp phạt giữa các quyết định xử phạt VPHC của cơ quan có thẩm quyền (quyết định xử phạt cũ và quyết định sửa đổi, bổ sung, đính chính). Trường hợp phát sinh số tiền chênh lệch dương (>0) thì phải hoàn trả cho cá nhân, tổ chức vi phạm số tiền nộp thừa; trường hợp phát sinh số tiền chênh lệch âm (<0) thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp bổ sung số tiền phạt còn thiếu; cụ thể: Số tiền nộp phạt chênh lệch = A - B. Trong đó: A là số tiền nộp phạt mà cá nhân, tổ chức vi phạm đã nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định xử phạt VPHC của cấp có thẩm quyền; B là số tiền nộp phạt mà cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp theo quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc quyết định mới của cấp có thẩm quyền.

Về các loại biên lai thu tiền phạt, Thông tư 18 tiếp tục kế thừa quy định tại Thông tư số 153/2013/TT-BTC, cụ thể tại các Điều 8, 9 và 10 Thông tư quy định các loại biên lai thu tiền phạt, hình thức, nội dung biên lai thu tiền phạt, tổ chức in, phát hành, quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt. Theo đó, có 3 loại biên lai thu tiền phạt, gồm: Biên lai thu tiền phạt in sẵn mệnh giá; biên lai thu tiền phạt không in sẵn mệnh giá; biên lai thu tiền phạt lập và in từ chương trình máy tính.

Điểm đáng chú ý nữa đó là, Thông tư 18 bổ sung quy định về bãi bỏ các khoản chi ngoài lương. Cụ thể, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp yêu cầu phải bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay Nghị quyết số 27-NQ/TW đã được lùi thời hạn thực hiện. Theo đó, tại khoản 3 Điều 16 Thông tư bổ sung quy định các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước được quy định tại Thông tư này và tại các văn bản viện dẫn để áp dụng chỉ được thực hiện đến khi triển khai cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.