Phát huy những thành tựu sau 31 năm tái lập tỉnh, tiếp tục phấn đấu xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng phát triển giàu đẹp

Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII, từ ngày 1/4/1992 tỉnh Ninh Thuận được tái lập trên cơ sở chia tách từ tỉnh Thuận Hải cũ. Trải qua chặng đường 31 năm xây dựng và phát triển, trong từng gia đoạn, tỉnh đã cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng bằng nhiều chương trình, đề án, kế hoạch để tổ chức thực hiện, nhờ đó kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực qua từng năm.

Sau 31 năm tái lập, từ một tỉnh có xuất phát điểm nền KT-XH còn thấp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nghèo nàn, là tỉnh thuần nông với phần lớn diện tích là trung du và miền núi, khí hậu thời tiết khô hạn, hồ đập kênh mương thủy lợi chưa được đầu tư; các ngành công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển, tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ bé và lạc hậu, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn... Trước bối cảnh đó, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tâm huyết và trách nhiệm của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh, cùng với sự quyết tâm, năng động, sáng tạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; Đảng bộ, chính quyền, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Thuận cùng cộng đồng các doanh nghiệp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức và ý chí khát vọng vươn lên, từng bước khai thác có hiệu quả các tiềm năng, phát huy lợi thế, tranh thủ các nguồn lực trong và ngoài tỉnh để xây dựng và phát triển.

Quảng trường 16 Tháng 4 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: Văn Miên

Qua chặng đường 31 năm tái lập tỉnh, đến nay kinh tế của tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ. Nếu năm 1992, Ninh Thuận thuộc nhóm tỉnh có mức tăng trưởng thấp nhất cả nước thì đến cuối năm 2020 bằng 73,9% trung bình cả nước và đứng thứ 31/63 tỉnh, thành phố so với cả nước; bằng 92,5% thu nhập bình quân vùng, đứng thứ 8/14 đối với các tỉnh duyên hải miền Trung. Đáng chú ý là trong 3 năm: 2019 tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt 14,69%, năm 2020 tăng 10,02%, năm 2021 tăng 9%. So với năm 1992, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2021 tăng gấp 69,6 lần, tốc độ tăng trưởng bình quân 8,14%/năm; GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 68,4 triệu đồng/người, tăng gấp 49,9 lần so với năm 1992 (1,37 triệu đồng/người) rút ngắn nhanh khoảng cách chênh lệch so với cả nước. Đặc biệt, các khâu đột phá về kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch từng bước được phát huy. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn duy trì ở mức tăng cao, tăng từ 33,3 tỷ đồng năm 1992 lên 4.343 tỷ đồng vào năm 2021, tăng trên 130 lần, bình quân tăng 19%. Tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, từ 67,8 tỷ đồng năm 1992 lên 29.920 tỷ đồng năm 2021, tăng 441 lần, bình quân tăng 23,4%. Riêng trong năm 2022, dù có nhiều khó khăn, thách thức mới phát sinh so với dự báo, nhưng với tinh thần chủ động, quyết tâm chính trị cao, UBND tỉnh đã bám sát tinh thần chỉ đạo của trung ương, của Tỉnh ủy, tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, sát tình hình, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tập trung các giải pháp đột phá vào các lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng; tổ chức các hội nghị chuyên đề về công nghiệp, xây dựng, du lịch, giải ngân vốn đầu tư công..., để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng. Nhờ đó, kết thúc năm 2022, tình hình KT-XH của tỉnh ổn định và có bước phục hồi, phát triển, tổng GRDP đạt 23.486 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng 7,42%.

Cơ sở hạ tầng Tp.Phan Rang-Tháp Chàm đang được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Văn Nỷ

Chào mừng kỷ niệm 31 năm Ngày tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà tự hào và phấn khởi trước những thành tựu đã đạt được trong chặng đường qua; đồng thời nhận thức sâu sắc những thách thức, khó khăn đang đặt ra phía trước. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2023 - năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh ta xác định phương hướng, mục tiêu chung để chỉ đạo thực hiện, đó là: “Tiếp tục ưu tiên phục hồi và giữ vững ổn định, phát triển kinh tế; kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi xanh, nâng cao năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực; tập trung trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, đồng thời phát triển một số dịch vụ gắn với chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển các lĩnh vực trọng điểm, tạo ra đột phá mới. Chú trọng phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.

Với phương châm hành động: “Đoàn kết, kỷ cương, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, chúng ta tin tưởng rằng: Toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân trong tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, tạo tiền đề cho tỉnh ta phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.