Kỷ niệm 64 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959 - 1/4/2023): Hướng tới phát triển nghề cá bền vững

Cách đây 64 năm, ngày 1/4/1959, Bác Hồ về thăm các làng cá trên đảo Cô Tô, Tuần Châu (Quảng Ninh) và Cát Bà (TP. Hải Phòng). Tại đây, Bác đã căn dặn “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”. Ghi nhớ lời dạy của Người, trong những năm qua, ngành Thủy sản tỉnh nhà đã không ngừng vượt khó, vươn lên phát triển, quy mô sản xuất tăng mạnh cả về khai thác và nuôi trồng thủy sản, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tỉnh ta có bờ biển dài hơn 105 km và vùng lãnh hải rộng trên 18.000 km2, là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước. Thực hiện các nghị quyết, chương trình phát triển TS của Đảng và Nhà nước, nhất là thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành TS của tỉnh đã từng bước cơ cấu toàn diện các lĩnh vực của ngành, đạt nhiều kết quả nổi bật. Với các chính sách hỗ trợ phát triển ngành TS của trung ương, thông qua các Nghị định số 67/2014-CP, Nghị định số 89/2015/NĐ-CP và Nghị định số 17/2018/NĐ-CP của Chính phủ, giúp ngư dân có điều kiện đóng mới, cải hoán tàu thuyền, thúc đẩy năng lực tàu thuyền tăng nhanh. Đến nay, toàn tỉnh có 2.273 tàu cá; trong đó, có 776 tàu tham gia khai thác và làm dịch vụ trên các vùng biển xa, phần lớn tàu cá đều trang bị thiết bị hiện đại. Công tác tổ chức sản xuất trong khai khác TS theo hình thức tổ đội được quan tâm, đến nay đã kiện toàn và duy trì 170 tổ đội khai thác trên biển, với 85 tàu hậu cần phục vụ hoạt động khai thác.

Ngư dân Ninh Hải đầu tư nâng cấp tàu thuyền, nâng cao hiệu quả khai thác.

Các chính sách hỗ trợ được triển khai kịp thời trong thời gian qua tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong cách nghĩ và cách làm từ đánh bắt gần bờ sang đầu tư phương tiện đánh bắt hiện đại, vươn tới những ngư trường ở vùng biển xa; qua đó, nâng cao giá trị hải sản và thu nhập cho ngư dân, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục TS tỉnh, nhìn nhận: Nếu như trước đây ngư dân chủ yếu khai thác bằng nghề lưới vây rút mùng, bẫy ven bờ, lưới mành, lưới đăng, thì hiện nay ngành nghề khai thác đã được chuyển hướng, phân bổ khá đều giữa nghề lưới vây có tính chọn lọc cao với nghề lưới rê. Ngoài ra, đã có thêm một số nghề khai thác mới như nghề câu khơi, bẫy ghẹ, bẫy cua huỳnh đế, nghề lưới vây cá cơm... Đồng thời, ngư trường đánh bắt cũng được mở rộng, với các sản phẩm chủ yếu là cá ngừ vằn, cá đổng, cá thóc, mực các loại; thúc đẩy sản lượng khai thác hằng năm đạt trên 125.000 tấn hải sản các loại. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2023, do tình hình thời tiết không thuận lợi, sản lượng khai thác đạt trên 21,4 nghìn tấn, bằng 95,83% so với cùng kỳ năm trước; giá bán tương đối cao, đem lại thu nhập ổn định cho ngư dân và cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

Song song với hoạt động khai thác, công tác bảo vệ nguồn lợi TS tiếp tục được tăng cường. Cán bộ Chi cục TS thường xuyên nắm bắt tình hình khai thác, kịp thời thông tin ngư trường đến ngư dân nắm bắt và di chuyển thuyền nghề khai thác hợp lý, hiệu quả. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), các cấp, các ngành, địa phương ven biển nỗ lực triển khai quyết liệt các giải pháp, góp phần chung tay tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu. Đến nay, có 100% số tàu hoạt động vùng khơi đều được cấp giấy phép khai thác hải sản; tỷ lệ tàu cá được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đạt 99,5%; tàu cá từ 15 m trở lên được lắp thiết bị giám sát hành trình, đạt trên 99,7%. Công tác kiểm tra, kiểm soát tàu ra vào cảng được thực hiện chặt chẽ; nhờ đó, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp tàu cá vi phạm hoạt động khai thác ở vùng biển nước ngoài.

Nuôi trồng TS cũng từng bước phát triển dựa trên điều kiện tự nhiên, lợi thế của từng vùng, tổ chức sản xuất đa dạng hóa giống nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 222 bè nổi/2.400 lồng nổi nuôi tôm hùm thương phẩm, khoảng 700 lồng nuôi cá bớp, cá chim, cá mú và tại khu vực Đầm Nại, có hơn 145 hộ/841 bè đang nuôi hàu bằng hình thức nuôi lồng bè. Đặc biệt, nhờ chất lượng nguồn nước tốt, nước biển luôn giữ độ mặn cao và ổn định quanh năm, đã tạo nên lợi thế phát triển nghề sản xuất tôm giống, với 450 cơ sở sản xuất tôm giống, năng lực sản xuất hằng năm đạt từ 40-50 tỷ con tôm giống, có thể đáp ứng 30-40% nhu cầu của cả nước. Ước sản lượng tôm giống trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt 11.700 triệu postlarvae, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài đối tượng chủ lực là tôm giống, trên địa bàn tỉnh còn có 38 cơ sở sản xuất các đối tượng hải sản khác như ốc hương, hàu, cá biển. Hiện đang vào mùa vụ chính trong năm nên hầu hết các cơ sở đã đi vào sản xuất.

Người dân nuôi hàu đạt sản lượng cao tại Đầm Nại (Ninh Hải). Ảnh: Văn Nỷ

Hướng đến hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm 2023, Chi cục TS tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng TS và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến ngư trường, tăng cường vận động ngư dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong đánh bắt, bảo quản sản phẩm sau khai thác, tuân thủ các quy tắc chống khai thác IUU. Phối hợp với các địa phương ven biển cơ cấu hợp lý vùng nuôi trồng TS, lựa chọn và phát triển các loài nuôi chủ lực gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Từ những tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên cùng với các công trình hạ tầng nghề cá đang được quan tâm đầu tư xây dựng. Hy vọng, ngành TS trên địa bàn tỉnh sẽ không ngừng bứt phá vươn lên, trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh.