Hiệu quả giảm nghèo từ phong trào “Mỗi xã, phường, thị trấn một mô hình sinh kế”

Tiếp bước thành công sau 3 năm triển khai mô hình trồng măng tây xanh (MTX) kết hợp tưới nước tiết kiệm tại thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) từ Quỹ “Vì người nghèo”, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục nhân rộng triển khai kế hoạch phối hợp mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng một mô hình sinh kế góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023-2025.

Mục tiêu đặt ra sẽ huy động nhiều nguồn lực, nhiều mô hình sinh kế giúp đồng bào nghèo có cơ hội, điều kiện, cùng với nỗ lực tự thân vận động vươn lên thoát nghèo, đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh.

Cuối năm 2019, có 24 hộ nghèo ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải được tạo điều kiện tham gia Dự án thực hiện mô hình trồng MTX kết hợp tưới nước tiết kiệm. Khi đó, mỗi hộ được hỗ trợ 15 triệu đồng để trang bị hệ thống tưới tiết kiệm; mua phân, giống; mọi kỹ thuật trồng trọt đều được cán bộ nông nghiệp phụ trách dự án hướng dẫn tận tình. Nhờ đó, chỉ sau 8 tháng trồng, chăm sóc, vườn MTX của các hộ gia đình đã cho năng suất, chất lượng. Sau 3 năm triển khai dự án, 24 hộ dân tham gia đều đã thoát nghèo.

Chị Não Thị Châu Từ Xiêm, một trong 24 hộ thoát nghèo nhờ mô hình trồng
măng tây xanh kết hợp tưới nước tiết kiệm tại thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước).

Niềm vui thoát nghèo khi tham gia các mô hình sinh kế cũng đang lan tỏa khắp các địa phương trong tỉnh. Tại xã Phước Kháng (Thuận Bắc), mô hình nuôi bò sinh sản từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã mang lại hiệu quả tích cực. Toàn xã có hơn 600 hộ thì có hơn 430 hộ được tiếp cận nguồn vốn vay trên 17,2 tỷ đồng. Người ít kinh nghiệm và vốn đầu tư thì nuôi 1-2 con bò, người nhiều kinh nghiệm và nhiều vốn hơn thì mạnh dạn nuôi gần 20 con. Chăn nuôi hiệu quả, đến nay, nhiều gia đình đã trả hết nợ và có thêm tiền tích lũy để sửa chữa nhà cửa và nuôi con ăn học. Tỷ lệ hộ nghèo ở xã nhờ thế cũng giảm đi đáng kể. Tại xã Phước Chính (Bác Ái), mô hình “Mỗi gia đình một mảnh vườn” cũng đang được đồng bào hưởng ứng tích cực, không những giúp bà con chuyển từ tập quán sản xuất nương rẫy về sản xuất vườn hộ, mà còn giúp các gia đình chủ động nguồn rau xanh cho bữa ăn hằng ngày, vừa giảm bớt tiền chợ, vừa có rau sạch đảm bảo sức khỏe.

Theo đồng chí Phạm Thị Bích Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, phong trào “Mỗi xã, phường, thị trấn một mô hình sinh kế” đã và đang nhận được sự đồng thuận cao từ các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Không chỉ là điểm tựa để người nghèo có thêm cơ hội thoát nghèo mà việc triển khai các mô hình sinh kế còn giúp nhiều hộ nghèo thoát nghèo trong cả tư duy, nhận thức khi đã mạnh dạn vươn lên mục tiêu cao hơn. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy hiệu quả của việc hỗ trợ sinh kế từ Quỹ “Vì người nghèo” và cũng là cơ sở để Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục lan tỏa phong trào để ngày càng nhiều hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh có cơ hội vươn lên thoát nghèo với những sinh kế bền vững, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và phấn đấu “Vì một Ninh Thuận không còn người nghèo” theo tinh thần Chỉ thị số 19 của Tỉnh ủy đề ra.