Tháo gỡ khó khăn để phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo

Để hiện thực hóa chủ trương xây dựng tỉnh thành trung tâm năng lượng tái tạo (NLTT) của cả nước, tỉnh Ninh Thuận đang quyết tâm tháo gỡ khó khăn, phát triển đồng bộ sản xuất điện, hạ tầng truyền tải và các ngành phụ trợ, đảm bảo các điều kiện về nguồn lực, cơ chế, chính sách phát triển NLTT bền vững.

Nhà máy điện mặt trời Adani Thuận Nam. Ảnh: T.D

Theo xu thế phát triển, nhu cầu năng lượng sẽ ngày càng tăng cao và phát triển NLTT đang trở thành xu hướng tất yếu. Trong thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, Ninh Thuận đã có những bước phát triển nhanh, trên cơ sở khai thác các tiềm năng, thế mạnh. Đặc biệt từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023, đã tiếp sức và là “đòn bẩy” rất quan trọng thúc đẩy KT-XH của địa phương phát triển bứt phá, hiệu quả.

Từ khi có cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời, tỉnh coi đây là những “đòn bẩy” thúc đẩy và thu hút mạnh mẽ làn sóng đầu tư vào lĩnh vực NLTT của địa phương. Tính đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã thu hút 51 dự án đầu tư NLTT (điện gió, điện mặt trời) với tổng cộng suất 3.262 MW (có 16 dự án điện gió/850 MW và 35 dự án điện mặt trời/2.412 MW); tổng vốn đăng ký 84.176 tỷ đồng. Đây là con số thu hút vốn đầu tư kỷ lục của tỉnh, đưa Ninh Thuận trở thành địa điểm đứng đầu trong phát triển NLTT của khu vực Đông Nam Á. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng hoàn thành 46 dự án/3.078 MW (trong đó: có 35 dự án điện mặt trời/2.412 MW và 11 dự án điện gió/606 MW).

Tuy nhiên, trong quá triển khai thực hiện các dự án đầu tư NLTT trên địa bàn tỉnh thời gian qua, tỉnh còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Trong 46 dự án 3.078 MW đã đầu tư xây dựng hoàn thành, chỉ có 2.831 MW được công nhận vận hành thương mại (COD) phát điện lên lưới điện quốc gia; còn lại 247 MW (gồm 154 MW điện mặt trời, 93 MW điện gió) chưa được công nhận COD, do chưa có giá Fit 2 điện gió, Fit 3 điện mặt trời. Trong các dự án đưa vào vận hành thương mại phát lên lưới điện, hiện nay vẫn còn bị cắt giảm công suất; việc cắt giảm này này làm thiệt hại và ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư dự án và phát triển KT-XH của tỉnh. Trong khi đó, các công trình lưới điện truyền tải đang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch điện VII điều chỉnh, hầu hết đầu tư triển khai chậm tiến độ các dự án đầu tư không đồng bộ với nguồn điện. Do đó, việc giải phóng công suất đưa vào vận hành đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất liên quan đến đất rừng, đất nông nghiệp còn nhiều khó khăn và thời gian thực hiện kéo dài; việc hướng dẫn đấu thầu, đấu giá lựa chọn nhà đầu tư chưa được ban hành; việc tiếp cận và huy động các nguồn vốn từ các ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn đã ít nhiều tác động làm ảnh hưởng đến niềm tin, nhận thức và hành động của các nhà quản lý, nhà đầu tư và người dân vùng dự án...

Ninh Thuận là một trong những địa phương có tiềm năng lợi thế rất lớn về phát triển NLTT, bởi tốc độ gió đạt từ 6,4-9,6 m/s (trung bình đạt 7,5 m/s), lớn hơn so cả nước, lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển điện gió, đảm bảo ổn định cho tuabin gió phát điện. Lượng bức xạ mặt trời từ 1.780-2.015 kWh/m/năm; sự chênh lệch bức xạ giữa các mùa trong năm không nhiều; tổng số giờ năng trong năm đạt từ 2.500-3.100 giờ/năm, cao nhất so cả nước, là điều kiện rất thuận lợi để phát triển hiệu quả các dự án điện mặt trời. Cùng với đó, Ninh Thuận có cảng biển nước sâu Cà Ná, khả năng tiếp nhận tàu LNG thương mại lên đến 250.000 m3; khu vực có địa chất tốt, không phải xử lý nền, vị trí cảng biển Cà Ná thuận lợi trong kết nối giao thông, tiếp giáp với khu vực tổ hợp nhà máy điện khí và Khu công nghiệp Cà Ná, thuận lợi cho việc bố trí xử lý giải pháp kỹ thuật chuyển hóa nguồn khí hóa lỏng đạt hiệu suất tối ưu, hiệu quả kinh tế cao, tạo cho Ninh Thuận trở thành địa điểm phát triển NLTT tốt nhất ở khu vực phía Nam.

Nhà máy điện mặt trời Trung Nam (Thuận Nam).

Trên cơ sở tiềm năng lợi thế về phát triển NLTT, hiện nay tỉnh Ninh Thuận là một trong những tỉnh cơ bản đã lập đầy đủ các quy hoạch phát triển các nguồn NLTT với dư địa rất lớn; khả năng phát triển điện gió trên đất liền 1.429 MW, điện gió ven biển 4.380 MW, điện gió ngoài khơi 21.000 MW, điện mặt trời 8.448 MW, điện khí LNG 6.000 MW và thủy điện tích năng phát triển 3.600 MW. Tỉnh cũng đã lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các huyện, thành phố đến năm 2030 (trong đó có bố trí quỹ đất cho phát triển các dự án NLTT với tổng diện tích 8,146 ha).

Từ những cơ hội, khó khăn và thách thức, tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII và ban hành cơ chế, chính sách giá điện đối với các dự án NLTT để làm cơ sở pháp lý cho các địa phương tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ với các quy hoạch; xem xét giá bán điện đối với các dự án đã đầu tư xây dựng hoàn thành nhưng chưa được công nhận COD (gồm 154 MW điện mặt trời, 93 MW điện gió); xem xét cập nhật, tích hợp các nguồn năng lượng hiện có của tỉnh vào Quy hoạch điện VIII và nghiên cứu tính toán đầu tư hạ tầng truyền tải kịp thời để đấu nối đồng bộ với các dự án nguồn điện. Mặt khác, cần xem xét sửa đổi, bổ sung, phân cấp cho các địa phương quy định về chính sách chuyển đổi đất rừng sang đất khác để thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt các dự án hạ tầng truyền tải; có kế hoạch bố trí nguồn lực để đầu tư các công trình lưới điện truyền tải theo quy hoạch đã duyệt nhằm giải tỏa toàn bộ công suất các nguồn điện tích hợp vào Quy hoạch điện VIII, đáp ứng mục tiêu phát triển KT-XH cả nước nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng. Có cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp chế tạo và dịch vụ phục vụ ngành năng lượng theo hướng tăng cường nội lực, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hướng đến xuất khẩu; ưu tiên phát triển các ngành chế tạo máy, thiết bị điện nhằm giảm giá trong dài hạn và đảm bảo sự ổn định của sản xuất là một yếu tố sống còn của an ninh năng lượng. Hoàn thiện khung pháp lý, khuyến khích và triển khai mô hình các công ty dịch vụ năng lượng (lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng, dịch vụ logistic,...) và quan tâm phát triển khoa học, công nghệ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng.