Những quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá

Bắt đầu từ năm 1987, các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống nhất lấy ngày 31/5 là Ngày Thế giới không thuốc lá (TL). Mục đích nhằm nêu bật những nguy cơ sức khỏe liên quan đến sử dụng TL và ủng hộ các chính sách hiệu quả để giảm sử dụng TL. Từ đó đến nay đã được sự ủng hộ của những người không hút TL, các chính phủ, tổ chức y tế, chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012, bao gồm 5 chương và 35 điều và có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2013. Luật PCTHTL đã thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về PCTHTL, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác PCTHTL trong giai đoạn hiện nay, góp phần hạn chế bệnh tật liên quan đến hút TL, nâng cao sức khỏe cộng đồng, thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Phạm vi điều chỉnh của Luật PCTHTL quy định về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng TL, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp TL và điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của TL; mục tiêu của Luật là hạn chế, giảm dần tỷ lệ người sử dụng TL, giảm tỷ lệ mắc và chết do các bệnh có nguyên nhân từ TL và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Việc ngăn ngừa hút thuốc trong giới trẻ là một trong những mục tiêu quan trọng
của Chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, quy định quyền và nghĩa vụ của công dân trong PCTHTL (Điều 7). Người dân được sống, làm việc trong môi trường không có khói TL; được yêu cầu người hút TL không hút thuốc tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc; được vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng TL, cai nghiện TL; được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút TL tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc; được phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi hút thuốc tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc. Điều 9 Các hành vi bị nghiêm cấm: Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển TL giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu TL; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu TL, TL nhập lậu; quảng cáo, khuyến mại TL; tiếp thị TL trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức; tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh TL; người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán TL; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán TL; bán, cung cấp TL cho người chưa đủ 18 tuổi; bán TL bằng máy bán TL tự động, hút, bán TL tại địa điểm có quy định cấm; sử dụng hình ảnh TL trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em; vận động, ép buộc người khác sử dụng TL.

Nghị định số 77/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành Luật PCTHTL về một số biện pháp PCTHTL. Điều 13 nêu Nghĩa vụ của người hút TL: Không hút TL tại địa điểm có quy định cấm hút TL; không hút TL trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi; giữ vệ sinh chung, bỏ tàn, mẩu TL đúng nơi quy định khi hút TL tại những địa điểm được phép hút TL. Nghị định cũng khuyến khích người nghiện TL nên đến cơ sở cai nghiện TL là việc áp dụng các phương pháp để giúp người nghiện TL từ bỏ sử dụng TL. Tư vấn cai nghiện TL là việc cung cấp thông tin để người nghiện TL lựa chọn và tự nguyện từ bỏ sử dụng TL.

Ngày 2/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1092/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình sức khỏe Việt Nam và cũng nêu rõ truyền thông vận động xã hội để phổ biến và thúc đẩy việc tuân thủ Luật PCTHTL, đặc biệt là quy định về môi trường không khói thuốc vì sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội, là mục tiêu của phát triển bền vững đồng thời cũng là nhân tố quyết định để đạt được sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế việc cấm hút TL là vấn đề khá khó khăn, khi mà văn hóa gặp gỡ, giao lưu điếu TL câu chuyện đầu tiên cho những lời thăm hỏi và tất cả chúng ta, ai cũng biết hút TL, tiếp xúc khói TL đều gây tổn hại cho cơ thể. Không có mức độ an toàn cho người hút và hít khói TL bởi nó có thể gây ung thư ở hầu như khắp mọi nơi trong cơ thể của chúng ta như ung thư phổi, bàng quang, gan, máu, đại tràng, ổ tử cung, thực quản, họng, thận, tụy, dạ dày, tiền liệt tuyến...

Qua gần 9 năm thực hiện Luật PCTHTL và các quy định liên quan, cho đến nay, việc ban hành các quy định về hạn chế, cấm sử dụng TL được thi hành, triển khai và đi vào cuộc sống. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập, cụ thể là trong phạm vi, môi trường sử dụng TL nơi công cộng vẫn diễn ra khá phổ biến, cơ quan có thẩm quyền xử phạt cũng rất khó khăn trong việc xử lý, bởi hành vi hút TL khu vực cấm thường diễn ra trong thời gian ngắn và bất chợt, trong khi đó người có thẩm quyền xử phạt lại ít, sự phối kết hợp giữa thanh tra Sở Y tế, công an, quản lý thị trường... hoặc về phía địa phương có Chủ tịch UBND các cấp, thanh tra, công an mới có thẩm quyền xử phạt thì mỏng, theo đó việc thực hiện Luật cũng còn những hạn chế nhất định.

Thời gian tới, các cấp, các ngành, đoàn thể cùng các tổ chức chính trị - xã hội cần tăng cường việc giám sát, đánh giá thường xuyên hiệu quả hoạt động trong PCTHTL. Đồng thời, tăng cường việc thực hiện, duy trì xây dựng các mô hình “không khói thuốc lá” tại các cơ quan, đơn vị; nâng cao ý thức chấp hành nghiêm Luật PCTHTL của người dân.