Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản

Nhằm khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển cơ giới hóa (CGH) nông nghiệp, ngày 25/9/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4177/KH-UBND thực hiện Chiến lược phát triển CGH nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, nhằm đưa nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và chế biến nông, lâm, thủy sản phát triển đồng bộ, theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Kế hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2025, đưa tỷ lệ CGH đối với lĩnh vực trồng trọt, cụ thể là sản xuất cây trồng chủ lực đạt trên 90% và CGH đồng bộ đạt trên 70% vào năm 2030. Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm tỷ lệ CGH đạt trên 80% năm 2025, CGH đồng bộ đạt trên 60% năm 2030. Nuôi trồng thủy sản: Tỷ lệ CGH đạt trên 70% năm 2025, đạt trên 90% năm 2030; đánh bắt, bảo quản trên tàu cá đạt 85% năm 2025, đạt trên 95% năm 2030. Lâm nghiệp: Tỷ lệ CGH các khâu làm đất, giống, trồng cây, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, phòng, chống cháy rừng, khai thác vận chuyển gỗ và lâm sản đạt trên 30% năm 2025, đạt trên 50% năm 2030. Diêm nghiệp: Tỷ lệ CGH trong cấp nước, tiêu nước, gom muối trên đồng và thu hoạch, vận chuyển muối muối đạt trên 70% năm 2025 và đạt trên 90% năm 2030. Đối với chế biến, bảo quản nông sản: Tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8,0%/năm vào năm 2025 và 10%/năm vào năm 2030. Trên 70% số cơ sở chế biến, bảo quản nông sản chủ lực đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình tiên tiến trở lên. Tổn thất sau thu hoạch các nông sản chủ lực giảm từ 0,5-1%/năm. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chủ lực đạt 60% là sản phẩm chế biến.

Nông dân áp dụng cơ giới hóa bằng việc sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu.

Về nội dung triển khai, Kế hoạch của UBND tỉnh nêu rõ 5 nhóm vấn đề cần tập trung thực hiện. Trong đó, về CGH các ngành sản xuất chính, cụ thể là trồng trọt (đối với cây lúa, bắp, đậu, khoai, mì, mía) cần tập trung tăng nhanh tỷ lệ CGH sản xuất, phấn đấu đến năm 2025, mức độ CGH làm đất đạt 100%. Khâu gieo trồng mức độ CGH đạt 70%. Khâu chăm sóc, sử dụng các loại máy chuyên dụng (vun, xới) đạt 60-70%; sử dụng các loại máy phun thuốc bảo vệ thực vật có chất lượng bảo đảm theo quy chuẩn kỹ thuật tăng 40-60%. Khâu tưới theo công nghệ tưới tiết kiệm nước (tưới nhỏ giọt, phun mưa) để áp dụng nhanh mô hình tưới tiết kiệm nước cho rau màu và một số cây công nghiệp, cây ăn quả khác. Khâu thu hoạch, đảm bảo thực hiện thu hoạch lúa bằng máy đạt 100%, giảm mức độ gặt hao hụt dưới 1,0%. Khâu sấy, bảo quản hướng đến phát triển kho bảo quản nông sản (lúa gạo, rau, củ, quả) quy mô lớn tại các doanh nghiệp, hợp tác xã và CGH các kho bảo quản đạt 60%, trong đó có từ 20% trở lên các khâu dây chuyền công nghệ được tự động hóa và kiểm soát các thông số kỹ thuật trong quá trình bảo quản.

Đối với chăn nuôi, hướng đến áp dụng máy, thiết bị theo hình thức công nghiệp, có kỹ thuật và công nghệ phù hợp để hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Trong đó, hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống tự động đạt 80%, hệ thống làm mát đạt 40-50%. Khâu chế biến thức ăn (gia súc, gia cầm) được CGH từ 30-40%. CGH vệ sinh chuồng trại đạt 80-85%. Chú trọng xử lý chất thải chăn nuôi thành các sản phẩm dưới dạng năng lượng (nhiệt - điện) và phân bón hữu cơ cho cây trồng. Sử dụng công nghệ tiên tiến máy ép tách phân ở các trang trại chăn nuôi heo có quy mô lớn, quy mô vừa.

Trong sản xuất thủy sản, phấn đấu các ao nuôi theo quy mô công nghiệp đạt 90%, diện tích nuôi sử dụng máy móc ở các khâu: Cho ăn, chăm sóc, thu hoạch; ở các ao nuôi quy mô trung bình và nhỏ đạt 50%. Về lâm nghiệp, phấn đấu đến năm 2025, tại các vùng trồng rừng tập trung, quy mô lớn có sử dụng máy móc các khâu làm đất, giống, trồng cây, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, phòng, chống cháy rừng đạt trên 50% và đến năm 2030 đạt trên 70%. Tỷ lệ áp dụng CGH ở khâu chặt hạ, vận chuyển đạt 50% năm 2025 và đạt 80% năm 2030. Các vùng trồng rừng còn lại, tỷ lệ CGH các khâu làm đất, giống, trồng cây, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, phòng chống cháy rừng đạt trên 30% năm 202 và đạt trên 50% năm 2030.

Để triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố căn cứ tình hình thực tế để cụ thể các nội dung được giao. Trong tâm là tập trung rà soát, đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Tiếp tục phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tổ chức lại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo định hướng phát triển sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm đặc sản của địa phương. Phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản được CGH đồng bộ để dẫn dắt chuỗi giá trị nông sản. Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào các khâu sản xuất và chế biến nông sản. Từng bước chuẩn hóa đội ngũ lao động điều khiển máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản theo hướng đào tạo, huấn luyện có chứng chỉ, bằng cấp. Triển khai hiệu quả chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ..., để đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với các đối tượng khách hàng.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết kịp thời. Định kỳ hằng năm vào ngày 30/11 báo cáo kết quả thực hiện, gửi về Sở NN&PTNN để tổng hợp tham mưu, báo cáo UBND tỉnh và Bộ NN&PTNN theo quy định.