Triển vọng từ các giống lúa mới

Vụ hè - thu 2022, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Trường Thọ, xã Phước Hậu (Ninh Phước) phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp triển khai nhân rộng giống lúa mới ĐV108 (hạt dài) do Công ty Cổ phần Giống cây trồng Bình Định lựa chọn và lai tạo. Qua thời gian trồng thử nghiệm giống lúa mới này có khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, đạt năng suất cao hơn các giống lúa truyền thống.

Ông Nguyễn Thành Anh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Thọ cho biết: Qua canh tác thử nghiệm 10 ha theo mô hình cánh đồng lớn ở vụ trước, giống lúa ĐV108 sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh, cây cứng, ít bị đổ ngã và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương. Trong vụ hè - thu năm nay có khoảng 70% các hộ thành viên của HTX tham gia nhân rộng giống lúa ĐV108 với diện tích 40 ha. Năng suất lúa ĐV108 đạt bình quân từ 8-9 tấn/ha, cao hơn các giống lúa khác từ 1-2 tấn, giá bán lúa khô dao động từ 6.200-6.500 đồng/kg, lúa tươi 5.200-5.500 đồng/kg, nông dân thu lợi nhuận từ 18-20 triệu đồng/ha. HTX tiếp tục đưa giống lúa ĐV108 vào sản xuất trong các mùa vụ tiếp theo.

Mô hình trồng thử nghiệm giống lúa Q5, TĐ25 tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước).

Cũng trong vụ hè - thu 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã triển khai mô hình trình diễn giống lúa mới Q5, TĐ25 theo mô hình “1 phải, 5 giảm” với 2 hộ thành viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) tham gia với diện tích 1 ha. Qua thời gian theo dõi thực tế trên đồng ruộng, tổng hợp, đánh giá quy trình sản xuất cho thấy giống lúa mới Q5, TĐ25 có thời gian sinh trưởng từ 95-105 ngày, chiều cao từ 98-105 cm, khả năng đẻ nhánh khỏe, lúa trổ nhanh và tập trung, cây cứng, chịu thâm canh, ít nhiễm bệnh hại trên cây lúa, năng suất đạt từ 8-8,5 tấn/ha.

Ông Đàng Năng Hóa, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bàu Trúc cho biết: Khi đưa giống lúa mới Q5 và TĐ25 vào trồng thử nghiệm, HTX đã lựa chọn những hộ thành viên có kinh nghiệm tham gia mô hình, đồng thời cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện và Công ty Cổ phần Giống cây trồng Bình Định xuống ruộng hướng dẫn bà con chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ vậy, cây lúa chín đẹp, chưa thấy sâu bệnh hại lúa, năng suất lúa đạt cao. Vụ vừa qua, tôi tham gia trồng thử nghiệm giống lúa mới TĐ25 với diện tích 5 sào, năng suất đạt trên 8 tạ/sào, cao hơn các giống lúa khác. Vì vậy, trong các vụ tiếp theo, gia đình tiếp tục đưa giống lúa mới TĐ25 và Q5 vào trồng.

Được biết, thời gian qua huyện Ninh Phước đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp đưa vào trồng thử nghiệm và nhân rộng một số giống lúa mới trên địa bàn nhằm tìm ra giống phù hợp, từng bước thay thế những giống kém chất lượng; đồng thời, bổ sung vào cơ cấu giống phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương. Ông Nguyễn Đức Thuận, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước cho biết: Việc triển khai thử nghiệm thành công các giống lúa mới đã dần thay thế các giống lúa đã bị thoái hóa, năng suất thấp. Qua đó, giúp các hộ nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Từ những kết quả bước đầu, thời gian tới ngành Nông nghiệp huyện Ninh Phước tiếp tục nhận rộng các giống lúa mới tại các xã, thị trấn, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân.