Đưa Nghị quyết về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào cuộc sống

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030; ngày 27/11/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện bước đầu tạo được chuyển biến tích cực.

Nghị quyết 06-NQ/TU đề ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025 phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC phục vụ tốt nhiệm vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tiếp tục xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước. Chú trọng phân vùng, nghiên cứu lựa chọn đưa các giống mới, quy trình sản xuất hiện đại, hiệu quả vào sản xuất; lựa chọn các cây trồng, vật nuôi đặc thù, tiềm năng, lợi thế để tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng chuỗi giá trị hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh cao gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, thu hút đầu tư, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Tốc độ tăng giá trị ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 đạt 3-4%/năm; trong đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt 30-40%/năm. Cơ cấu nội bộ ngành nông, lâm nghiệp chiếm 49%, thủy sản chiếm 51%. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 150 triệu đồng/ha/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt 700 triệu đồng/ha/năm. Phấn đấu đến năm 2025 có từ 3-5 vùng đáp ứng các điều kiện, tiêu chí công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng CNC.

Mô hình sản xuất dưa lưới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Ninh Sơn. Ảnh: Hữu Phương

Trong 8 nhóm giải pháp thực hiện, UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung của Nghị quyết. Với quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, các sở, ban, ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người dân từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa, tập trung, tổ chức lại sản xuất theo mô hình hợp tác xã, liên doanh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo sản phẩm nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định.

Xác định đưa Nghị quyết số 06-NQ/TU vào cuộc sống là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022 và những năm tiếp theo, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tạo sức lan tỏa sâu rộng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công bố rộng rãi dự án đầu tư vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, dự án sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù ứng dụng CNC, công nghệ hữu cơ của tỉnh để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Sở cũng đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện các chính sách về đất đai, chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, cây ăn quả gắn với bảo vệ môi trường; đặc biệt xây dựng bản đồ đối với diện tích chuyển đổi từ vùng đất trồng lúa nước kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây trồng cạn để phát huy hiệu quả tài nguyên đất, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Công ty Cổ phần Nắng và Gió đầu tư nhà màng, ứng dụng công nghệ cao để sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Văn Nỷ

Tập trung nhân lực để hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương, các chủ thể kinh tế xây dựng, mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác trong tổ chức sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Rà soát, lựa chọn các vùng sản xuất tập trung còn khó khăn trong việc tiếp cận các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC để tập trung đẩy mạnh công tác khuyến nông, xây dựng các mô hình sản xuất trình diễn để nhân rộng.

Để tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp CNC, Sở NN&PTNT đã chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC. Qua đó, UBND tỉnh đã trích kinh phí hơn 9,4 tỷ đồng để hỗ trợ 7 huyện, thành phố trong tỉnh phát triển nông nghiệp; trong đó, 245 triệu đồng để đầu tư thực hiện xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây trồng, 290 triệu đồng cho các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Nam, Thuận Bắc và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm chuyển đổi các loại cây trồng cạn như táo, nho…, 885 triệu đồng cho các địa phương để phát triển hợp tác xã, hỗ trợ giống, vật tư và liên kết sản xuất cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ nông sản. Đồng thời, hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng cho 5 dự án: Dự án trồng trọt của Hợp tác xã nông nghiệp CNC Nam Miền Trung; Dự án trồng bưởi da xanh ứng dụng CNC tại xã Phước Ninh; Dự án trồng dưa lưới ứng dụng CNC tại xã Nhị Hà; Dự án trồng dưa lưới ứng dụng CNC tại xã Phước Dinh (Thuận Nam), Dự án cây trồng mới ứng dụng CNC tại xã An Hải (Ninh Phước).

Đối với công tác xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển chế biến các sản phẩm từ trái nho đủ điều kiện xuất khẩu; nghiên cứu lựa chọn, ưu tiên 2-3 sản phẩm đặc thù, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển sản phẩm xuất khẩu. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp CNC của tỉnh.

Sớm đưa nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp CNC vào cuộc sống, các huyện, thành phố đang tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Cụ thể, phối hợp với Sở NN&PTNT, các ngành liên quan trong việc triển khai thực hiện các đề án nông nghiệp CNC trên địa bàn; xúc tiến kêu gọi và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư thực hiện các dự án nông nghiệp CNC tại địa phương và thực hiện chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn quản lý. Với kinh phí của tỉnh hỗ trợ, các địa phương phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn cho nông dân và cán bộ hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất; đồng thời, lựa chọn xây dựng các mô hình khuyến nông, các dự án VietGAP đã được tỉnh phê duyệt danh mục.

Phát triển nông nghiệp CNC là chủ trương đúng đắn, là xu thế tất yếu trong thời đại công nghiệp 4.0. Với khí thế thi đua sôi nổi của các ngành, các cấp trong việc đưa nghị quyết của Tỉnh ủy vào cuộc sống, tin rằng sản xuất nông nghiệp sẽ tạo đột phá mới, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.