Tháo gỡ khó khăn để phát triển nuôi trồng thủy sản

Với bờ biển dài 105 km, tỉnh ta có lợi thế về nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên biển cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, NTTS trên biển tại tỉnh vẫn chưa phát huy được tiềm năng, cần được nghiên cứu, định hướng để phát triển mạnh và bền vững.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh, hoạt động nuôi lồng bè trên biển tập trung tại vùng C thuộc xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải (C1 và C2). Đây là vùng quy hoạch nuôi biển lớn nhất và tập trung số lượng lồng bè lớn nhất của tỉnh với tổng diện tích 340 ha, tập trung hơn 100 bè/trên 2.000 lồng, nuôi các đối tượng như tôm hùm, cá mú, cá bớp, cá hồng Mỹ. Theo đánh giá, mặc dù khu vực biển này có điều kiện môi trường phù hợp để NTTS lồng bè, các đối tượng nuôi sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên do đây là vùng biển hở, vào mùa gió mùa Tây Nam (từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm) thường có sóng lớn, gió mạnh, trong khi kết cấu lồng bè nuôi theo kiểu truyền thống đơn giản, thô sơ,... không thể chịu đựng được, nên phải di dời bè nuôi tìm nơi tránh trú để tránh thiệt hại.

Nghề nuôi hàu Thái Bình Dương ở xã Tri Hải (Ninh Hải). Ảnh: CTV

Bên cạnh vùng C, các vùng nuôi khác như: Khu vực Hòn Chông là khu vực nuôi tạm thời để lồng bè di chuyển về tránh trú trong mùa gió Tây Nam. Khu vực này tập trung các hộ nuôi là người dân địa phương với quy mô lồng bè nhỏ, kết cấu lồng bè theo kiểu truyền thống, diện tích nuôi không thể mở rộng. Do chất lượng môi trường tốt, kết hợp nguồn thức ăn tại chỗ, vì vậy các đối tượng nuôi (chủ yếu cá biển) sinh trưởng và phát triển tốt. Vùng nuôi biển vịnh Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) là vùng nuôi thủy sản tạm thời với diện tích 3,2 ha. Tuy nhiên hiện nay do số lượng lồng bè phát sinh lớn, vượt quá sức chứa của diện tích vùng quy hoạch tạm thời, nên UBND huyện Ninh Hải đã có phương án chấm dứt việc NTTS bằng lồng bè trên vịnh Vĩnh Hy đến ngày cuối năm 2022. Vùng D thuộc xã Phước Dinh (Thuận Nam) tuy được đánh giá là khu vực biển có chất lượng môi trường trong sạch và độ sâu phù hợp để trồng rong sụn, tuy nhiên chịu ảnh hưởng nhiều vào thời tiết khí hậu và địch hại ăn rong nên chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của vùng quy hoạch.

Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 các vùng nuôi biển, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đề xuất các vùng nuôi gồm: Vùng B1 (khu vực Đầm Nại) 35 ha nuôi hàu; Vùng C với tổng diện tích khoảng 1.260 ha, bao gồm các Tiểu vùng C1 (60 ha), C2 (280 ha), C3 (420 ha) và C4 (500 ha) và Vùng D (100 ha) trồng rong sụn thuộc xã Phước Dinh (Thuận Nam). Các vùng biển được quy hoạch có độ sâu và chất lượng nước thích hợp cho quá trình sinh trưởng và phát triển của các đối tượng nuôi. Ngoài ra, qua rà soát tổng thể các khu vực biển, theo ý kiến của các ngành liên quan, khu vực biển Gò Xanh thuộc thôn Từ Thiện (xã Phước Dinh) và khu vực biển cạnh Hòn Chông, xã Thanh Hải (Ninh Hải) là không phù hợp để đề xuất tích hợp vào Quy hoạch nuôi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vì có sự chồng lấn với các dự án du lịch và điện gió đã có chủ trương đầu tư.

Như vậy, do hiện nay không còn khu vực biển phù hợp để có thể điều chỉnh, bổ sung, tích hợp vào quy hoạch vùng nuôi của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vì vậy, nhằm tạo điều kiện cho người dân nuôi thủy sản lồng bè trên biển có thời gian nâng cấp lồng bè, từng bước chuyển đổi dần sang nuôi bằng lồng HDPE để nuôi cố định tại vùng biển quy hoạch (Vùng C), Sở NN&PTNT đề xuất phương án tạm thời trước mắt cho phép người nuôi được neo đậu tránh trú gió mùa Tây Nam tại các khu vực biển cạnh Hòn Chông và Gò Xanh, cho đến khi có các dự án về du lịch, điện gió trên biển được triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, các địa phương liên quan thông báo rộng rãi cho người dân được biết về định hướng phát triển nuôi biển của tỉnh để người dân nắm rõ và có phương án nuôi phù hợp.

Nuôi thủy sản lồng bè trên vịnh Vĩnh Hy (Ninh Hải). Ảnh: Anh Tuấn

Theo ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Trong thời gian qua, Sở đã triển khai thử nghiệm mô hình nuôi cá chim vây vàng bằng lồng HDPE tại khu vực biển C1. Kết quả cho thấy lồng HDPE có khả năng chịu đựng tốt sóng gió mạnh. Trên cơ sở đó ngành khuyến khích áp dụng công nghệ lồng HDPE để phát triển nuôi tại các khu vực biển đã được quy hoạch của tỉnh. Tuy nhiên, việc hỗ trợ kinh phí để người nuôi chuyển đổi từ lồng bè gỗ truyền thống sang lồng HDPE là rất lớn, không phù hợp với nguồn ngân sách còn nhiều khó khăn của tỉnh. Vì vậy, cần đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp mạnh về công nghệ, tiềm lực tài chính đầu tư vào nuôi biển; đồng thời doanh nghiệp có cơ chế phù hợp hỗ trợ cho người nuôi tại địa phương từng bước chuyển đổi sang nuôi bằng lồng HDPE, kết hợp với các dịch vụ hậu cần, trang thiết bị và các kỹ thuật, công nghệ có liên quan khác bao gồm cả thu mua sản phẩm cho người nuôi.

Mặt khác, tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm hỗ trợ cho tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng thực hiện các dự án như: Thí điểm nuôi biển quy mô công nghiệp giai đoạn 2021-2025; sản xuất giống rong, tảo biển, cá biển, sinh vật cảnh tại Ninh Thuận; nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong nuôi biển xa bờ; phát triển giống phục vụ nuôi biển; quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng, chống dịch bệnh phục vụ nuôi biển, nâng cao năng lực trong quản lý nuôi biển. Đồng thời hỗ trợ kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh tham gia đầu tư nuôi biển công nghệ cao tại Ninh Thuận. Các sở, ngành và địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách để thúc đẩy phát triển nuôi biển trên địa bàn tỉnh theo hướng công nghiệp, mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, để nghề nuôi biển phát triển ổn định và bền vững, cần tập trung khuyến khích hộ gia đình áp dụng công nghệ nuôi biển tiên tiến, sử dụng lồng HDPE, Composite có khả năng chịu đựng được sóng gió tại các vùng biển hở, biển xa, sử dụng thức ăn công nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đáp ứng các tiêu chí khắt khe của các thị trường nhập khẩu.