Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số họp trực tuyến triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm

Ngày 8-8, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tổ chức phiên họp thứ ba trực tuyến trên cả nước đánh giá kết quả nhiệm vụ 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Tại điểm cầu của tỉnh, các đồng chí: Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự.

Thực hiện công tác chuyển đổi số năm 2022, với Chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”, thời gian qua, công tác chuyển đổi số được Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp trên tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực. Thủ tướng Chính phủ quyết định ngày 10-10 là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông - Cơ quan thường trực Ủy ban đã ban hành văn bản hướng dẫn đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam năm 2022. Nhận thức số không ngừng được nâng lên; thể chế số, hạ tầng số, nền tảng số, nhân lực số, an ninh, an toàn mạng từng bước được kiện toàn. Đặc biệt, với quyết tâm và giải pháp xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đến nay, 100% huyện, hơn 97% xã trên toàn quốc đã kết nối mạng; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) phát huy hiệu quả, với số giao dịch thực hiện thông qua NDXP trong 6 tháng đầu năm khoảng 350 triệu giao dịch, tăng 25 lần so với cùng kỳ. Phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia trên các lĩnh vực được đẩy mạnh làm cơ sở phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Tỷ lệ dịch vụ công đủ kiều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 đạt 97,3%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ 45,7%, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến 36,9%, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên trục liên thông văn bản quốc gia trên 3,7 triệu văn bản, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ. Đến nay, có tổng số hơn 12,8 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đến hết 6 tháng đầu năm ước tính 10,41%. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số ước đạt 67.300 doanh nghiệp, tăng gần 3.500 doanh nghiệp so với cuối năm 2021; có 318.064 doanh nghiệp tiếp cận, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số bằng các nền tảng số Việt Nam, tăng gần 10 lần so với năm 2021; 47.564 doanh nghiệp đã sử dụng nền tảng số SMEdx, tăng gần 3 lần so với năm 2021. Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99%; tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng hoá đơn điện tử 100%. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 76% về số lượng và 30,6% về giá trị so với cùng kỳ. Hoạt động của người dân trên môi trường số tăng trưởng cả về số người sử dụng và thời lượng sử dụng, đặc biệt ở các nền tảng số do Việt Nam sở hữu và phát triển. Có 35/63 địa phương đã ban hành đề án, kế hoạch phát triển đô thị thông minh và bước đầu cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp; 20/63 địa phương đã ban hành Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh; 44/63 địa phương đã triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp tỉnh.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự tại điểm cầu của tỉnh ta.

Ủy ban Quốc gia chuyển đổi số chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm là tập trung đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam. Phấn dấu hoàn thành mục tiêu đến cuối năm, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 85%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng đạt 75%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 50%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 50%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính Bộ phận một cửa cấp bộ, cấp tỉnh, Bộ phận một cửa cấp huyện đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 30%...

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố xếp hạng đánh giá chuyển đổi số năm 2021. Theo đó, tỉnh ta đứng thứ 53/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực và kết quả chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong thời gian qua; đồng thời chỉ ra, phân tích những tồn tại, hạn chế yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khắc phục, đồng thời tiếp tục các giải pháp hoàn thành 12/27 nhiệm vụ chưa hoàn thành nhằm thực hiện các mục tiêu, kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 đã đề ra. Thủ tướng nhấn mạnh, kết quả trong thời gian qua rất tích cực, tuy nhiên đây mới là kết quả bước đầu, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cần phải có quyết tâm cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, thiết thực, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Phát huy tinh thần đoàn kết, tránh mọi tư duy cục bộ “cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu”. Liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, phát huy tính chủ động, tính sáng tạo, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực chuyển đổi số. Huy động hiệu quả mọi nguồn lực tham gia chuyển đổi số. Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; coi trọng công tác truyền thông, hướng dẫn, tạo sự ủng hộ, đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương; yêu cầu tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt, truyền cảm hứng, tạo ra xu thế, thúc đẩy phong trào để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu năm 2022.