Mái nhà chung ấm áp tình thương

Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) tỉnh hiện đang nuôi dưỡng 45 em nhỏ không nơi nương tựa. Mỗi em có mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều khao khát có “mái ấm” thực sự. Với phương châm “lắng nghe và thấu hiểu”, “đối tượng khó chịu, nhân viên chịu khó”, thời gian qua cán bộ, nhân viên Trung tâm CTXH tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm bù đắp phần nào những thiệt thòi, mở ra con đường tươi sáng cho các em.

Cuối tuần có dịp đến Trung tâm CTXH tỉnh, chúng tôi bắt gặp những nụ cười hồn nhiên, tinh nghịch của các em nhỏ. Bằng tình thương và sự chăm sóc tận tình của cán bộ, nhân viên nơi đây, những đứa trẻ kém may mắn như tìm được sự quan tâm, chia sẻ và có cuộc sống đầm ấm của một đại gia đình. Cao ráo, khỏe mạnh, khuôn mặt sáng với nụ cười tươi trên môi, mới gặp lần đầu tôi không nghĩ rằng em Nguyễn Thị Thanh Hằng, học sinh giỏi lớp 12, Trường THPT Chu Văn An đã từng đối diện với hoàn cảnh cực kỳ khó khăn và thương tâm. Đó là vào năm em học lớp 6, cô học trò nhỏ ở xã Cà Ná (Thuận Nam) phải chứng kiến cái chết của ba mẹ vì ngộ độc cá nóc, từ đó em thành trẻ mồ côi. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, em được gửi vào Trung tâm CTXH nuôi dưỡng. Tại đây, em tiếp tục đi học, thời gian rảnh phụ giúp công việc với các cô chú trong Trung tâm và chăm sóc các em nhỏ. Vượt qua nghịch cảnh của mình, em luôn cố gắng học tập, nhiều năm liền là học sinh khá giỏi của trường. Hiện tại em đang ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sắp tới với ước mơ trúng tuyển ngành Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Công nghệ Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh.

Chị Lê Thị Bình Minh, nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh dạy học cho các em.

Được đón vào Trung tâm lúc còn nhỏ do bị bỏ rơi, em Phạm Song Phương năm nay đã 14 tuổi và đang học lớp 7 tại Trường THCS Trần Phú. Với em, Trung tâm CTXH như là gia đình thứ hai của mình. Ban đầu còn chưa quen, em hay sợ sệt, nhút nhát, nhưng nhờ sự kiên trì, gần gũi, động viên của các cô trong Trung tâm em đã “mở lòng” mình hơn. Giờ đây, không chỉ là chị lớn trong mái nhà chung, em còn là một học sinh đạt thành tích học tập khá, giỏi, luôn năng nổ, nhiệt tình với các hoạt động của Trung tâm.

Gần 16 năm công tác ở Trung tâm, chị Lê Thị Bình Minh, phụ trách công tác chăm sóc trẻ, chia sẻ: Mỗi trường hợp khi đến với Trung tâm đều có hoàn cảnh hết sức thiệt thòi. Thấu hiểu được điều đó nên tôi thường xuyên trò chuyện, gần gũi gắn kết giúp các em dễ dàng trải lòng, hòa nhập với bạn bè xung quanh. Nhìn lại suốt chặng đường gắn bó niềm vui của tôi là được chứng kiến từng bước trưởng thành của các con. Từ những đứa bé mặc cảm nhút nhát, hay lì lợm gai góc vì thiếu vắng tình thương và sự chăm sóc của gia đình khi mới bước chân vào Trung tâm, dần dần các con đều biết yêu thương đoàn kết, bao bọc lẫn nhau, tự lập và chín chắn hơn bạn bè đồng trang lứa.

Những em đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm đều được đi học văn hóa, học nghề. Để nâng cao hiệu quả việc học của các em, Trung tâm thường xuyên phối hợp liên hệ với nhà trường, cơ sở dạy nghề để theo dõi, hỗ trợ kịp thời. Ngoài thời gian học trên trường, các em được học thêm Tin học tại Trung tâm. Cùng với việc học, Trung tâm chú trọng chăm lo sức khỏe cho các em. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm tổ chức khám sức khỏe điều trị ban đầu cho 50 trẻ em, giúp trẻ phát triển đầy đủ về thể chất lẫn trí tuệ. Anh Trần Đức Long, Giám đốc Trung tâm CTXH tỉnh cho biết: Những đứa trẻ vào đây hầu hết đều mồ côi cha, mẹ, không có người nuôi dưỡng, không có một gia đình đúng nghĩa. Vì vậy, cán bộ, nhân viên ở Trung tâm luôn sẻ chia, cùng chung tay với chính quyền, cộng đồng xây dựng mái nhà chung, giúp các em xóa đi mặc cảm, tự tin trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chặng đường phía trước của các em sẽ còn không ít chông gai, khó khăn và thử thách. Dẫu vậy, ngay lúc này, nơi mái nhà chung- Trung tâm CTXH tỉnh các em được chăm sóc, nuôi dưỡng và yêu thương trong vòng tay cộng đồng. Đây chính là động lực để Thanh Hằng, Song Phương và các em khác tự tin vươn lên, viết tiếp ước mơ của chính mình.