Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc với huyện Thuận Nam và Ninh Sơn

Ngày 24-5, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do đồng chí Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã làm việc với huyện Thuận Nam về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn.

Theo báo cáo của UBND huyện Thuận Nam, hiện tại tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn 32.191 ha; trong đó, diện tích đất có rừng 24.225 ha, diện tích đất chưa có rừng 8.109 ha. Từ năm 2016-2021, toàn huyện đã xảy ra 28 điểm cháy rừng với diện tích 6,2 ha. Một trong những khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian qua tại huyện là tình trạng người dân chăn nuôi, làm rẫy xen kẽ trong rừng vẫn chưa được kiểm soát, một số hộ không ký cam kết về thực hiện công tác phòng, chống cháy rừng; việc xử lý các hộ dân lấn chiếm đất lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn do các hộ dân không hợp tác trong việc củng cố hồ sơ dẫn đến khiếu kiện kéo dài. UBND huyện Thuận Nam kiến nghị HĐND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ cho lực lượng quản lý, bảo vệ rừng vì đây là lực lượng thường xuyên đối mặt với nguy hiểm khi làm nhiệm vụ; đồng thời, có chính sách hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng đối với cộng đồng nằm ngoài khu vực I, II, III.

Đồng chí Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc với huyện Thuận Nam. Ảnh: Thanh Thịnh

Sau khi nghe ý kiến của đại diện các ngành và các thành viên trong đoàn giám sát, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả huyện Thuận Nam đạt được trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Đồng chí đề nghị UBND huyện tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ đối với các trường hợp mua bán, vận chuyển cây cảnh có nguồn gốc từ rừng tự nhiên để có biện pháp xử lý dứt điểm; tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn kịp thời và xử lý các hành vi làm chòi, chuồng chăn nuôi trên đất lâm nghiệp. Rà soát cơ chế, biện pháp, áp dụng công nghệ mới vào công tác quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân đoàn kết chung tay tham gia bảo vệ rừng tại địa phương; tiếp tục thực hiện tốt công tác giao rừng khoán quản, tìm kiếm đưa các giống cây mới vào trồng phủ xanh đất rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái tại địa phương.

* Cùng ngày, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do đồng chí Trần Minh Nam, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh làm Trưởng Đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện Ninh Sơn về triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016-2021.

Đồng chí Trần Minh Nam, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu
tại buổi làm việc với huyện Ninh Sơn. Ảnh: Tiến Mạnh

Huyện Ninh Sơn có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp 46.362 ha. Phần lớn diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã được giao cho các đơn vị: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ninh Sơn quản lý hơn 28.000 ha, Ban Quản lý rừng phòng hộ Krông Pha quản lý hơn 10.000 ha, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh hơn 240 ha... Giai đoạn 2016-2021, các đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn huyện đã huy động nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng được trên 50,7 tỷ đồng để thực hiện các chương trình như: Khoán bảo vệ rừng, trồng rừng mới và chăm sóc rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và trồng cây phân tán. Các đơn vị trồng mới hơn 757 ha rừng; chăm sóc rừng trồng hơn 4.000 ha; tỷ lệ che phủ rừng tính đến cuối năm 2020 đạt 49,07%, đạt chỉ tiêu nghị quyết HĐND huyện đề ra.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận những kết quả đạt được của UBND huyện Ninh Sơn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian qua, nhất là công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia công tác bảo vệ và phát triển rừng; công tác triển khai lực lượng tuần tra, truy quét, bảo vệ rừng. Đồng thời, đề nghị trong thời gian tới, UBND huyện Ninh Sơn tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; thực hiện tốt các mô hình sinh kế, trồng rừng thay thế, tăng tỷ lệ che phủ rừng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nhận khoán bảo vệ rừng và các địa phương khu vực rừng giáp ranh nhằm hạn chế tối đa các vụ việc vi phạm pháp luật lâm nghiệp; kịp thời ngăn chặn, xử lý những vụ vi phạm lâm luật; tổ chức căm mốc ranh giới tại các khu vực rừng giáp ranh, rừng trọng điểm...