Nông dân chủ động thực hiện các giải pháp giảm chi phí sản xuất nông nghiệp

Thời gian qua, giá phân bón, xăng dầu liên tục tăng khiến chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng theo, gây áp lực lớn cho nông dân. Trước thực tế này, nhiều nông dân đã chủ động thực hiện các giải pháp giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Gia đình bà Phạm Thị Lợi, thôn Nhị Hà 3, xã Nhị Hà (Thuận Nam) có 400 gốc xoài, trồng trên diện tích 4 ha. Trước đây, mỗi năm bà mua khoảng 2,4 tấn phân hóa học để bón cho cây. Từ hơn 1 năm nay, vợ chồng bà tự tìm hiểu, chế biến các loại phân vi sinh từ cá nước ngọt, trứng, đậu nành và bắp chuối sử dụng thay thế phân hóa học. Với cách làm này, giảm được 80% lượng phân hóa học, tiết kiệm gần 40 triệu đồng/năm. Bà Lợi cho biết: Việc sử dụng phân vi sinh thay thế phân hóa học vườn cây của gia đình phát triển tốt, đạt năng suất cao.

Còn tại trang trại trồng dưa lưới 1,5 ha của Công ty TNHH Fara Farm đóng trên địa bàn xã Nhị Hà, với đặc thù là trang trại sản xuất hữu cơ, sử dụng các loại phân chuồng, phân xanh bón cho cây trồng, nên việc giá phân bón tăng cao không ảnh hưởng quá nhiều tới sản xuất của Công ty. Hiện nay, Công ty thực hiện giải pháp để giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất, đó là chủ động nuôi trùn quế để làm phân bón, tiến tới cắt giảm lượng phân trùn quế mua ngoài thị trường, với số tiền khoảng 150 triệu đồng mỗi năm.

Bà Phạm Thị Lợi, thôn Nhị Hà 3, xã Nhị Hà (Thuận Nam) chế tạo phế phẩm sinh học dẫn dụ và tiêu diệt côn trùng trên cây trồng.

Ông Thái Bá Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Thương mại nông nghiệp An Xuân, xã Xuân Hải (Ninh Hải) cho biết: HTX liên kết với 100 hộ dân ở địa phương sản xuất 3,5 ha măng tây xanh và 30 ha lúa, giá vật tư nông nghiệp tăng khiến hoạt động sản xuất của HTX và các nông hộ gặp khó khăn nhất định. Để giải quyết khó khăn trong sản xuất, HTX tuyên truyền, hướng dẫn thành viên và các hộ dân đẩy mạnh sản xuất theo mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa và áp dụng quy trình VietGAP đối với măng tây xanh; khuyến khích nông dân chuyển dần sang sử dụng phân bón hữu cơ, vừa giúp cải tạo đất, vừa giảm chi phí, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

Toàn tỉnh hiện có 86.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, có 18.600 ha đất trồng lúa, diện tích còn lại là rau màu, cây lâu năm, cây ăn trái. Hiện nay, các loại cây trồng vụ đông - xuân 2021-2022 đã thu hoạch xong, các địa phương đang triển khai gieo trồng 30.303 ha lúa và hơn 15.857 ha rau màu vụ hè - thu. Giá vật tư nông nghiệp tăng cao, trong đó phân bón tăng từ 50-100%, đạt đỉnh giá trong vòng 50 năm qua gây áp lực lớn cho nông dân. Đồng chí Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Nhằm giúp nông dân ổn định sản xuất, sau khi kết thúc vụ đông - xuân, Chi cục đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, tiết kiệm; khuyến cáo người dân căn cứ vào tính chất của từng loại cây trồng để sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu phù hợp; đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật đồng hành cùng nông dân, hướng dẫn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bón phân theo nguyên tắc “4 đúng”. Chi cục cũng khuyến khích nông dân tận dụng phế phẩm nông nghiệp tạo nguồn phân hữu cơ phục vụ sản xuất, qua đó giảm sử dụng phân hóa học. Chi cục cũng sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, góp phần ổn định thị trường vật tư nông nghiệp.