Nâng tầm hạt gạo Ninh Thuận

Vào những ngày trung tuần tháng 5, nông dân các địa phương trong tỉnh nhộn nhịp vào mùa thu hoạch lúa vụ đông - xuân 2021-2022. Lúa trải vàng sân phơi các hợp tác xã (HTX), thương lái đưa xe tới chở về nhà máy xay xát gạo cung cấp cho thị trường trong cả nước. Hạt gạo qua xay xát, tách màu chà bóng trắng tinh đi vào bữa ăn của nhiều gia đình.

Tuy nhiên hạt gạo “Made in Ninh Thuan” giá còn thấp trong bảng giá gạo trên thị trường. Vấn đề trăn trở của các nhà quản lý, các nhà khoa học và các nông hộ hiện nay là làm thế nào để nâng tầm hạt gạo Ninh Thuận?

Ấn tượng sản lượng lúa

Tuy bận rộn với công việc hướng dẫn nông dân tập trung thu hoạch dứt điểm vụ đông - xuân và khẩn trương làm đất chuẩn bị xuống giống vụ hè-thu 2022, nhưng Kỹ sư Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) đã dành thời gian trao đổi với chúng tôi. Anh là một trong những cán bộ nông nghiệp tận tâm với công tác chuyên môn, đã nhiều lần cùng chúng tôi bám đồng lội ruộng thực hiện mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng “1 phải, 5 giảm”, đưa giống lúa mới vào đồng ruộng. Anh cho biết, qua 30 năm tái lập tỉnh, cùng với các giải pháp đầu tư thủy lợi mở rộng diện tích chủ động tưới, kết hợp kỹ thuật canh tác tiên tiến đưa diện tích gieo trồng lúa hằng năm của tỉnh đạt trên 44.000 ha; sản lượng đạt trên 250.000 tấn/năm. Đơn cử, năm 2021 vừa qua, toàn tỉnh gieo trồng 3 vụ lúa với tổng diện tích 44.120 ha, năng suất bình quân đạt 62.4 tạ/ha, sản lượng đạt 275.484 tấn. Diện tích lúa gieo trồng tập trung ở các huyện nông nghiệp trọng điểm như: Ninh Phước 12.714 ha, năng suất 67,1 tạ/ha, sản lượng đạt 85.371 tấn; Ninh Sơn 9.639 ha, năng suất 64,5 tạ/ha, sản lượng đạt 62.197 tấn; Thuận Bắc 7.855 ha, năng suất 58,5 tạ/ha, sản lượng đạt 45.953 tấn... So sánh với năm 2016, diện tích gieo trồng lúa năm 2021 của tỉnh tăng 2.805 ha, năng suất tăng 11,1 tạ/ha, sản lượng tăng 63.173 tấn.

Nông dân xã Bắc Phong (Thuận Bắc) thu hoạch lúa. Ảnh: V.M

Tính riêng trong vụ đông - xuân năm nay, nông dân toàn tỉnh gieo trồng 17.875,6 ha lúa, tăng 2,8% so với cùng kỳ; năng suất 67,5 tạ/ha, sản lượng ước 120.749,6 tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Điểm đáng lưu ý trong cơ cấu giống lúa vụ đông - xuân là nông dân sử dụng giống lúa chủ lực như: ML202, TH41, ML48, OM4900, OM5451, Đài Thơm 8, OM 6976 chiếm 70% diện tích; giống lúa TH6, KD18, ML214, VNĐ95-20, PY2, chiếm 30% diện tích gieo trồng. Trong đó có 13.585 ha gieo giống lúa cấp xác nhận do các đơn vị sản xuất giống cung cấp đạt 76% diện tích; số còn lại do các nông hộ tự để giống lúa vụ trước gieo cho mùa sau. Lượng giống gieo phổ biến từ 100-150 kg/ha, chiếm 64,5% diện tích; gieo trên 150 kg/ha, chiếm 35,5% diện tích. Giảm số lượng giống gieo giúp nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất, giảm sâu bệnh hại, giảm sử dụng phân bón và thuốc BVTV trong quá trình canh tác, tăng thu nhập sản xuất lúa. Kỹ sư Phạm Dũng cho rằng do cây lúa tỉnh ta gieo trồng trong điều kiện khí hậu nắng ấm quanh năm nên cây lúa ít xuất hiện bệnh hại và nông dân cũng ít sử dụng thuốc BVTV, chất lượng hạt gạo Ninh Thuận tốt hơn canh tác ở các vùng khác.

Lúa gạo thương phẩm giá còn thấp

Qua tính toán của các nhà chuyên môn, với sản lượng lúa hằng năm đạt 250.000 - 270.000 tấn, sau khi đảm bảo an toàn lương thực nội tỉnh, với định lượng 300 kg/người, mỗi năm tỉnh ta có dư 100.000- 150.000 tấn lúa hàng hóa cung cấp cho thị trường ngoài tỉnh. Với dây chuyền xay xát gạo của một số nhà máy đầu tư công nghệ hiện đại, tỉnh ta có thể đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu gạo trong tương lai. Hiện nay, hạt gạo bầu tròn truyền thống như: TH6, TH41 qua nhiều năm canh tác tuy năng suất thấp nhưng vẫn bảo đảm tinh bột phục vụ chế biến các loại thực phẩm như: Bánh tráng, phở, mì, bún... được thị trường trong cả nước ưa chuộng. Và các loại gạo hạt dài dẻo thơm như Đài Thơm 8, OM5451, An Sinh 1399 bước đầu đáp ứng được nhu cầu lương thực của người dân địa phương.

Giống lúa Đài Thơm 8 tạo nên thương hiệu “Gạo An Xuân” của Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại nông nghiệp An Xuân. Ảnh: Hồng Lâm

Điều đáng nói là lúa sản xuất tại Ninh Thuận trên thị trường giá cả còn khá thấp, lợi nhuận người trồng lúa chưa cao, chưa thể làm giàu từ hạt lúa. Qua tính toán, chi phí trung bình 1 ha lúa vụ đông - xuân năm nay là 25,5 triệu đồng, bao gồm phân bón 9,2 triệu đồng, thuốc BVTV 3,3 triệu đồng, giống 2,6 triệu đồng, chi phí làm đất, thu hoạch và công lao động 10,25 triệu đồng; quy ra giá thành 1 kg lúa là 3.658 đồng. Thương lái thu mua lúa khô tại sân phơi với giá trung bình 6.000 đồng/kg. Riêng HTX Dịch vụ Nông nghiệp Trường Thọ (Ninh Phước) thu mua của nông dân với giá 6.100 đồng, cao hơn 100 đồng/kg so với mặt bằng chung ở xã Phước Hậu. Theo ông Nguyễn Thanh Anh, Giám đốc HTX cho biết, đơn vị thu mua lúa của thành viên cao hơn thương lái là do lúa của Trường Thọ canh tác mô hình cánh đồng lớn, bón phân cân đối, phơi trên sân bê tông xi măng bảo đảm hạt lúa khô sạch. Năng suất lúa đạt bình quân 65 tạ/ha, vụ lúa đông- xuân năm nay nông dân có lãi trung bình 16-18 triệu đồng/ha, thấp hơn 5-7 triệu đồng so với vụ trước do giá phân bón, thuốc BVTV tăng 60-70%. Tại thôn Trường Thọ có ông Nguyễn Hữu Thành được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ thực hiện mô hình canh tác lúa thân thiện môi trường trên diện tích 1.000 m2. Ông Thành gieo lúa giống Đài Thơm 8, sử dụng phân chuồng kết hợp phân vô cơ, không sử dụng thuốc BVTV. Ông Thành thu hoạch vào đầu tháng 5-2022, đạt năng suất 8 tạ/sào, tăng hơn 3 tạ so với ruộng đối chứng. Sản phẩm thu hoạch từ ruộng lúa thực hiện mô hình thân thiện môi trường bán với giá 7.000 đồng/kg, lợi nhuận tăng thêm khoảng 900.000 đồng/sào so với ruộng đối chứng.

Qua tìm hiểu tại các điểm bán lẻ lúa gạo trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, chúng tôi ghi nhận các loại gạo gieo trồng tại Ninh Thuận có giá bán khá thấp. Đơn cử, loại gạo hạt bầu tròn bán lẻ với giá 9.500 - 10.000 đồng/kg; gạo hạt dài dẻo giá 11.000 - 12.000 đồng/kg. Trong khi đó, gạo từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đưa về bán lẻ cho người tiêu dùng phổ thông như: Gạo Thơm Lài giá 13.500 - 14.000 đồng/kg cao hơn 1.500 - 2.000 đồng/kg so với giá gạo cùng loại sản xuất tại Ninh Thuận. Các loại gạo “cao cấp” như: ST24, ST25 có giá trung bình 24.000 - 25.000 đồng/kg. Các điểm bán lẻ ở Tp. Phan Rang - Tháp Chàm cho biết người tiêu dùng mua gạo sản xuất trong tỉnh chiếm khoảng 30-40%, số còn lại mua gạo dẻo thơm từ các tỉnh phía Nam.

Nông dân xã Phước Thái (Ninh Phước) nhộn nhịp vào mùa thu hoạch lúa đông - xuân 2021- 2022.

Phân tích nguyên nhân lúa gạo sản xuất tại Ninh Thuận giá thấp chủ yếu là do gieo trồng các loại giống cũ như: TH6, TH41 thoái hóa, năng suất thấp. Đây là hai giống lúa cho ra hạt gạo giàu tinh bột, đáp ứng nhu cầu chế biến, ít được người dân đưa vào bữa cơm gia đình. Tuy nhiên người trồng lúa tỉnh ta vẫn đang rơi vào tình trạng được mùa mất giá. Có những năm mất mùa do mưa lũ hoặc ngừng sản xuất do thiếu nước thì lúa hạt bầu tròn như: TH6, TH41 được các thương lái tranh mua tăng giá lên 7.000 - 7.500 đồng/kg. Tỉnh ta chưa có những giống lúa chế biến gạo dẻo thơm đủ tầm cạnh tranh với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời tỉnh ta rất ít sân phơi bê tông xi măng, nhiều nông hộ phơi lúa trên đường giao thông dẫn đến chất lượng gạo kém...

Giải pháp nâng tầm hạt gạo

Để nâng tầm hạt gạo Ninh Thuận hiện nay, theo Kỹ sư Phạm Dũng, giải pháp thứ nhất là cần đổi mới các giống lúa phân ly thoái hóa, năng suất thấp, dễ nhiễm sâu bệnh. Ưu tiên các giống lúa mới có năng suất chất lượng cao, phẩm chất tốt, kháng sâu bệnh, thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu trong tỉnh. Cụ thể các giống hạt bầu tròn có chất lượng tốt có thể thay thế giống TH6, TH41 như: CP3988, ML48, ML202, ML214 và các bộ giống hạt dài thơm PY2, An Sinh 1399, Đài Thơm 8, ĐV108, KD18, OM4900, MT10... Các giống lúa này nếu được kết hợp đầu tư nâng cao công nghệ chế biến tạo ra hạt gạo đạt chuẩn tham gia thị trường xuất khẩu gạo và nâng cao giá trị tiêu thụ nội địa. Giải pháp thứ hai là áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến như “1 phải, 5 giảm”, cánh đồng lớn, sản xuất nông nghiệp thông minh 4.0, nông nghiệp hữu cơ, biện pháp canh tác thân thiện môi trường. Giải pháp thứ ba dành quỹ đất xây dựng sân phơi và hỗ trợ nâng cao công nghệ xay xát kết hợp thiết bị lò sấy cho các nhà máy gạo bảo đảm đủ chuẩn tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Giải pháp thứ tư, thực hiện biện pháp gieo trồng mỗi năm hai vụ lúa theo Quyết định số 1390/QĐ-UBND của Chủ tịnh UBND tỉnh ban hành Kế hoạch sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ/năm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020- 2025. Giám đốc các HTX và bà con nông dân cho rằng chuyển đổi từ 3 vụ lúa sang 2 vụ là một trong những giải pháp hạn chế tình trạng “được mùa mất giá” như hiện nay. Đồng thời, tiếp tục thực hiện thí điểm và nhân rộng mô hình canh tác lúa hữu cơ thân thiện môi trường, nâng cao giá trị hạt gạo thương phẩm.

Nâng tầm hạt gạo Ninh Thuận là một trong những giải pháp thiết thực đưa Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo hàng hóa, nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống nông dân, qua đó tích cực góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp.