Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế giữa Việt Nam và Pháp

Ngày 20-1, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị trực truyến Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế giữa Việt Nam và Pháp, kỳ họp lần thứ 7. Tham dự kỳ họp tại điểm cầu Việt Nam có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Đài Truyền hình Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Thuận.

Tại phiên họp, đại diện hai bên đã điểm lại các kết quả cũng như tình hình triển khai những nội dung hợp tác song phương tại Kỳ họp lần thứ 6 (năm 2019); trao đổi những nội dung mới mà hai bên quan tâm như: Định hướng chiến lược của Pháp tại Việt Nam, tiếp cận thị trường, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, các công cụ tài chính của Pháp, hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có thể mạnh (nông nghiệp, giao thông vận tải…)

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.

Tại tỉnh ta, qua hồ sơ mời quan tâm, Liên danh Công ty Total Gaz Electricite Holding France (Pháp) đăng ký tham gia thực hiện dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500MW đã được UBND tỉnh công nhận Nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án. Hiện tại, tỉnh đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan để lập, phê duyệt hồ sơ mời thầu rộng rãi quốc tế đối với dự án theo đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Kết luận phiên họp, hai bên thống nhất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, góp phần cải thiện và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác truyền thống, gắn bó giữa hai quốc gia trong thời gian qua và sắp tới. Theo đó, Việt Nam sẽ nỗ lực giải quyết những vấn đề tồn tại của các dự án hợp tác, đồng thời đưa ra các giải pháp đối với từng trường hợp cụ thể phù hợp với quy định hiện hành của Chính phủ Việt Nam để góp phần kiện toàn, thúc đẩy việc hoàn thành dự án, phục vụ hiệu quả cho đối tượng hưởng lợi là người dân Việt Nam theo đúng mục tiêu mà hai bên mong đợi. Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí tiếp tục trao đổi thông tin cho nhau về những vấn đề cần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương Việt – Pháp, tạo lập hành lang pháp lý thông thoáng để thu hút đầu tư của Pháp vào những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, trong đó chú trọng đến những lĩnh vực có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao phù hợp với thế mạnh của các tập đoàn có uy tín của Pháp trên trường quốc tế.