Hiệu quả mô hình nuôi tôm hai giai đoạn

Trước tình hình nuôi tôm gặp khó khăn do tác động từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh, nhiều hộ nuôi tôm chuyển sang nuôi mật độ thưa, dồn ao nhỏ thành trang trại lớn để tập trung quản lý và đầu tư công nghệ kỹ thuật, triển khai mô hình nuôi tôm mới thành công.

Anh Ngô Văn Hải ở Tp. Phan Rang - Tháp Chàm có kinh nghiệm nuôi tôm 15 năm với quy mô 10 ha, gồm 3 khu vực nuôi độc lập, cách nhau 0,5-1 km. Những năm gần đây xuất hiện nhiều bệnh tôm phân trắng teo gan, đốm trắng đỏ thân, hoại tử gan tụy, 3 trại tôm của anh bị ảnh hưởng 30-50% diện tích. Năm 2014, anh Hải được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn triển khai mô hình nuôi tôm VietGAP quy mô 1 ha. Kết quả thành công tạo niềm tin phấn khởi để anh đầu tư nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Niềm vui được nhân đôi, giữa năm 2015 anh được Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam mời tham quan mô hình nuôi tôm hai giai đoạn (giai đoạn 1: Tôm giống ương trong ao; giai đoạn 2: Tôm được chuyển sang nuôi trong ao thương phẩm) tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Sau chuyến tham quan, anh quyết định cải tạo 2 ha; trong đó, ao lắng và ao sẵn sàng chiếm 30%, ao nuôi chiếm 68%, ao ương giống chiếm 2% diện tích để nuôi tôm theo mô hình tiên tiến học hỏi được.

Nhân viên Công ty TNHH Giống Thủy sản Hồ Trung, xã Nhơn Hải (Ninh Hải) kiểm tra tôm giống. Ảnh: Phan Bình

Mô hình đầu tư đầy đủ lưới ngăn chim xâm nhập, có lót bạt HDPE, có xi phông và quản lý môi trường trong ao bằng chế phẩm sinh học đạt hiệu quả cao. Tiêu chí của mô hình là “3 cao, 1 thấp” (cao tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống cao, và số vụ nuôi trong năm cao; 1 thấp là hệ số chuyển đổi thức ăn ra 1 kg tôm thấp). Để thuận lợi cho việc quản lý, việc xây dựng ao ương phải đảm bảo diện tích phù hợp từ 500-1.000 m2, ương giống trong 25-30 ngày, đạt trọng lượng 0,9-1 gam/con mới thả xuống ao nuôi thương phẩm nhằm mục đích hạn chế được dịch bệnh, tăng sức đề kháng cho tôm và giảm chi phí sản xuất. Điều này tránh cho tôm bị hoại tử gan tụy thường có tầm suất xuất hiện cao khi tôm 20-45 ngày tuổi. Trước khi thả ra ao nuôi phải kiểm tra đẩy đủ các yếu tố môi trường như đo ôxy, độ kiềm, mật độ tảo... Quản lý và chăm sóc tốt ao ương sẽ sản xuất ra những con giống tốt, khỏe mạnh. Với mật độ thả 1.000 con/m2 trong vòng 30 ngày chỉ tốn khoảng 758 kg thức ăn là thu được 800 kg tôm giống, so với ương nuôi bình thường tiết kiệm được 40% chi phí thức ăn. Điểm nổi bật của mô hình ương nuôi tôm giống là giảm bớt sự tác động của thời tiết trong giai đoạn tôm còn nhỏ, từ đó tăng tỷ lệ sống và tăng sức khỏe cho tôm.

Đối với ao nuôi thương phẩm, xây dựng diện tích phù hợp, mỗi ao không quá 2.000 m2, thiết kế hình vuông, bo 4 góc, lót bạt toàn bộ nền đáy và bờ ao để tạo thuận lợi cho công tác vệ sinh, thu gom chất thải cũng như sử dụng quạt nước công suất lớn. Nếu bố trí quạt nước hợp lý chất thải sẽ được dồn vào khu vực giữa ao, người nuôi có thể xi phông liên tục trong một khoảng thời gian hoặc định kỳ với tần suất tăng dần theo thời gian sao cho chất thải không có cơ hội tích lũy, phân hủy trong môi trường ao nuôi. Chính trong môi trường thuận lợi này, tôm phát triển nhanh, đạt tốt độ tăng trưởng tốt nhất. Chi phí mô hình nuôi tôm công nghệ cao phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều người, nếu cải tạo lại hệ thống ao nuôi cũ chi phí đầu tư khoảng 150 triệu đồng/ha, đầu tư mới khoảng 400 triệu đồng/ha.

Đáng nói là, từ năm 2016 đến nay mô hình liên tục thành công hơn 95%, mỗi năm thả 3 vụ, thời gian mỗi vụ từ 85-100 ngày, sản lượng thu hoạch 150 tấn/vụ với sai từ 55-80 con/kg. Đến nay, mô hình nhân rộng lên 6 trang trại ở 2 xã: An Hải (Ninh Phước) và Phước Dinh (Thuận Nam). Thông tin anh Ngô Văn Hải thực hiện mô hình nuôi tôm hai giai đoạn thắng lợi nhanh chóng lan tỏa khắp vùng, được các trang trại lớn trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập làm theo.