Phát triển chuỗi liên kết trong chăn nuôi

Những năm qua, với việc đẩy mạnh thực hiện cải tạo, nâng cao tầm vóc đàn gia súc và phát triển chuỗi liên kết đã góp phần nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập, thúc đẩy nghề chăn nuôi ở các địa phương phát triển bền vững.

Mặc dù được đánh giá là “thủ phủ” chăn nuôi gia súc của cả nước, với tổng đàn hiện có trên 465.400 con, tuy nhiên hoạt động chăn nuôi ở tỉnh ta còn khá manh mún, tự phát, điều kiện cơ sở vật chất, trình độ kỹ thuật của nhiều hộ nuôi còn hạn chế. Đặc biệt, với việc duy trì nguồn giống vật nuôi truyền thống, thường xảy ra tình trạng đồng huyết, tỷ lệ suy thoái giống xảy ra rất cao. Trước thực trạng trên, các chương trình lai tạo giống được thực hiện chủ yếu trên các giống vật nuôi chủ lực của tỉnh và đạt được nhiều kết quả nổi bật, được người dân đồng tình hưởng ứng.

Thông qua nguồn vốn khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ 68 con cừu đực giống ngoại Dorper, cừu White Suffolk cho các địa phương có tổng đàn cừu lớn để phối giống cho 2.718 cừu cái của 127 hộ nuôi. Qua thời gian thực hiện mô hình, trọng lượng cừu sơ sinh đạt trung bình 2,6 kg/con, tỷ lệ nuôi sống trên 90%, rút ngắn thời gian nuôi cừu thịt từ 1-1,5 tháng và tăng thu nhập khoảng 10%. Bằng phương pháp hoán đổi dê giống giữa các hộ chăn nuôi với nhau, đã tránh được nguy cơ đồng huyết, cho ra tỷ lệ lai tạo giống mới đạt cao, hiệu quả tăng thêm từ 700-800 ngàn đồng/con. Hay như mô hình “Cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo” được triển khai tại xã Lương Sơn, Quảng Sơn (Ninh Sơn), cho tỷ lệ thụ thai đạt trên 70%, rút ngắn khoảng cách lứa đẻ, giảm bớt chi phí nuôi. Mô hình sử dụng tinh bò đực giống Brahman, đây là một trong những giống bò thịt nổi tiếng, có tầm vóc lớn, sau khi được lai tạo, cho trọng lượng bê lai trung bình 22,5 kg, thu nhập cao hơn 1,5 lần so với giống bò địa phương cùng tuổi. Giống heo cũng được nâng cao tỷ lệ nạc nhờ sử dụng tinh các giống heo ngoại Landrace, Duroc, Pietrain. Qua đó, góp phần tăng sản lượng, sản phẩm ngành chăn nuôi.

Mô hình liên kết chăn nuôi cừu theo chuỗi giá trị, mang lại kinh tế cao cho nông dân xã Phước Trung (Bác Ái).

Cùng với đó, hướng tới mục tiêu phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, ngành Nông nghiệp đã làm tốt vai trò đầu mối, phối hợp cùng chính quyền địa phương tập trung rà soát, đánh giá tiềm năng, thế mạnh chăn nuôi ở mỗi vùng; trên cơ sở đó, tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách phát triển chăn nuôi phù hợp, nhất là các chương trình, dự án, nguồn tín dụng để thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, thương lái liên kết với nông dân xây dựng nhiều chuỗi giá trị, làm tăng hiệu quả kinh tế, hạn chế tối đa thiệt hại cho hộ nuôi. Điển hình như Cơ sở kinh doanh dê, cừu Triệu Tín liên kết với hàng trăm hộ chăn nuôi dê, cừu tại các địa phương cung cấp hàng ngàn giống nuôi và tổ chức thu mua sản phẩm; Công ty TNHH Phương Thảo liên kết với người dân nuôi từ 2.700-3.000 con bò vàng mỗi năm, sau đó tổ chức mua lại và trả 15.000 đồng/kg cho trọng lượng tăng thêm khi xuất bán. Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam và Công ty TNHH CJ ViNa Agri liên kết với nông dân ở các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Bác Ái nuôi trên 40.000 con... Với việc sản xuất theo chu kỳ khép kín, đưa đến lợi ích hài hòa cho các bên tham gia chuỗi giá trị. Chị Katơr Thị Chẵn ở thôn Bà Râu 2, xã Lợi Hải (Thuận Bắc), chia sẻ: Gia đình hiện nuôi 1 con heo nái và 10 con heo đen, trong quá trình nuôi, được Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Suối Đá hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y, thức ăn và thu mua lại sản phẩm khi xuất chuồng, giá bán luôn ở mức ổn định, nên rất phấn khởi.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, với việc đẩy mạnh cải tạo đàn giống và nhân rộng chuỗi liên kết chăn nuôi, hoạt động chăn nuôi gia súc trong những năm qua tiếp tục duy trì và phát triển ổn định; đảm bảo về mặt tiêu thụ cũng như mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi. Giai đoạn 2016-2020, ngành chăn nuôi có mức tăng trưởng bình quân hằng năm là 6,2%, đạt gần 1.383 tỷ đồng, tăng 35% so với giai đoạn 2011-2015.

Để chăn nuôi phát triển tương xứng với tiềm năng của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao đến năm 2030. Mục tiêu của đề án không chỉ tăng cường hỗ trợ, giúp hộ nuôi ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chăn nuôi an toàn sinh học, xử lý đảm bảo an toàn dịch bệnh mà còn hướng trọng tâm vào việc tăng cường cải tiến, nâng cao tầm vóc đàn vật nuôi; tiếp tục mở rộng quy mô liên kết, gắn với sản xuất chuỗi giá trị bền vững. Đây được xem là đề án chiến lược, thúc đẩy chăn nuôi trở thành ngành sản xuất có giá trị cao trong tổng cơ cấu nông - lâm nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.