Linh hoạt gỡ khó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2021 gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch COVID-19 ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân. Đến thời điểm hiện nay, nguồn vốn đầu tư phát triển của chương trình vẫn chưa được trung ương phân bổ, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, chương trình đã được triển khai đồng bộ, tập trung vào các nội dung trọng tâm, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn thêm nhiều khởi sắc.

Trong bối cảnh khó khăn, các ngành, địa phương đã linh hoạt gỡ khó, chủ động huy động, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án trên địa bàn để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã. Trong 10 tháng năm 2021, toàn tỉnh đã huy động hơn 377,6 tỷ đồng để thực hiện các nội dung của chương trình. Về phát triển sản xuất, đã triển khai được 30 cánh đồng lớn, với diện tích 3.964,15 ha; thực hiện được 23 liên kết theo chuỗi giá trị lúa, bắp giống, nho, măng tây xanh, nha đam, kiệu, hành tím, chanh dây; tạo điều kiện tiêu thụ nông sản ổn định trong tình hình dịch bệnh. Cùng với đó, các địa phương tiếp tục vận động các hộ dân luân canh, chuyển đổi cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động khu vực nông thôn. Các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và môi trường cũng được các ngành, các cấp triển khai theo kế hoạch, trong đó chú trọng các nội dung liên quan đến tiêu chí NTM như: Công tác phổ cập giáo dục ở các cấp trung học, tiểu học; duy trì sĩ số học sinh ở các cấp học.

Nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn xã Phước Hải (Ninh Phước) ngày càng phát triển khang trang. Ảnh: A.Tuấn

Thành quả đáng kể nữa là hoạt động bảo vệ và phát triển môi trường tiếp tục được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo, thực hiện, qua đó nhận thức của người dân trong việc giữ vệ sinh môi trường được nâng cao. Công tác quản lý các hệ thống cấp nước đã đi vào nền nếp; các công trình được tu sửa bảo dưỡng thường xuyên, chất lượng nước đảm bảo theo tiêu chuẩn và ngày càng được nâng cao. Trong 10 tháng năm 2021 có 1.494 hộ dân khu vực nông thôn được bắt nước sạch, nâng tỷ lệ sử dụng nước sinh hoạt đạt 95,75%, tăng 0,75% so với năm 2020.

Nhờ có sự chung tay của toàn xã hội trong thực hiện chương trình, một số huyện, xã đã hoàn thành các tiêu chí NTM, đã thẩm định hồ sơ trình các cấp thẩm quyền công nhận huyện Ninh Hải đạt chuẩn huyện NTM; công nhận xã Phước Thuận (Ninh Phước) và xã Thanh Hải (Ninh Hải) đạt chuẩn xã NTM nâng cao năm 2020. Theo kế hoạch, năm 2021 toàn tỉnh phấn đấu có thêm 2-3 xã đạt chuẩn NTM, 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đến nay xã Lợi Hải (Thuận Bắc) đã xây dựng hồ sơ đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đang trong quá trình đánh giá kết quả thực hiện, xây dựng hồ sơ.

Nhân dân xã Phước Thuận (Ninh Phước) triển khai hiệu quả mô hình tuyến đường “Sáng - xanh - sạch - đẹp”. Ảnh: Lê Thi

Theo khảo sát, đánh giá của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện chương trình vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định. Đó là tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc thực hiện và duy trì chất lượng các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo của nhiều địa phương. Nguồn vốn trung ương phân bổ thực hiện chương trình thấp so với nhu cầu làm ảnh hưởng đến việc thực hiện một số nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra, nhất là kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP. Nguồn lực huy động từ ngân sách địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư cũng hạn chế do tập trung nguồn lực phòng, chống dịch. Một số địa phương đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao có khả năng không hoàn thành theo kế hoạch đề ra do tác động của các yếu tố khách quan nêu trên

Trong 2 tháng còn lại của năm 2021, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp đẩy mạnh huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư; lồng ghép nguồn vốn các chương trình, đề án trên địa bàn để thực hiện các nội dung chương trình. Tập trung chỉ đạo huy động các nguồn lực hỗ trợ các địa phương phấn đấu đạt chuẩn theo kế hoạch năm 2021; đặc biệt chú trọng đến các tiêu chí khó thực hiện, duy trì, như: Thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm. Ưu tiên thực hiện các nội dung trọng tâm của chương trình, nhất là phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.