Ninh Thuận: Khẩn trương ứng phó với áp thấp nhiệt đới

Trước diễn biến của Áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão và dự báo ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đang chỉ đạo, triển khai huy động toàn lực, toàn hệ thống chính trị, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động đối phó với ATNĐ; phòng tránh lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, triều cường, sóng lớn vùng ven biển... nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản nhân dân và nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo PCTT&TKCN tỉnh đến 15h, ngày 25-20, tổng số tàu thuyền trên địa bàn tỉnh 2.520 chiếc/14.994 lao động, trong đó, có 442 chiếc/4.201 lao động đang hoạt động trên biển đã được lực lượng chức năng liên lạc được và hướng dẫn neo đậu an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Số tàu thuyền neo đậu tại các bến cảng của Ninh Thuận là 2.078 chiếc/10.793 lao động. Tàu thuyền tỉnh ngoài neo đậu tại Ninh Thuận có 40 chiếc/256 lao động; phương tiện thủy nội địa 82 chiếc/129 lao động; Lồng bè nuôi trồng 265 chiếc/4.680 lồng/ 461 lao động. Tổng dung tích 22 hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt 124,35 triệu m3, đạt 30% dung tích chứa.

Ngư dân Thuận Nam vào tránh trú ATNĐ an toàn. Ảnh: Văn Nỷ

Để kịp thời triển khai ứng phó với ATNĐ, Ban chỉ đạo PCTT-TKCN tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố ven biển khẩn trương rà soát nắm chắc số lượng nhà ở số hộ dân sinh sống ven biển khu vực có nguy cơ sạt lở do ATNĐ, lũ triều cường tuyên truyền vận động và chủ động có phương án hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa cũng như sơ tán dân đến nơi an toàn trước khi ATNĐ đổ bộ vào bờ. Tất cả các công việc phải hoàn thành trước 12h00 ngày 26/10/2021. Đồng thời khẩn trương rà soát, nắm chắc số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản, phương tiện thủy nội địa,... tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân biết chủ động di chuyển về nơi an toàn khi có tình huống xấu xảy ra; kiên quyết di chuyển người ra khỏi lồng bè, phương tiện thủy nội địa,... trong trường hợp cần thiết, nhằm bảo vệ tính mạng của nhân dân. Triển khai phương án huy động lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, hóa chất, chất khử trùng, khẩu trang y tế cho các địa điểm sơ tán dân. Trong quá trình triển khai, hướng dẫn người dân sơ tán thực hiện các biện pháp, phòng chống dịch COVID-19 phù hợp với từng bối cảnh; thông báo ngay cho nhân viên y tế hoặc người phụ trách quản lý khu sơ tán khi gặp người có dấu hiệu nghi nhiễm COVID-19. Triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, tập trung thu hoạch các diện tích hoa màu, thủy sản; đảm bảo an toàn cho các công trình, bến cảng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, công trình đang thi công ven biển, các công trình cột cao, khu khai thác hải sản. Thông tin kịp thời cảnh báo đến tất cả các đối tượng bị ảnh hưởng của ATNĐ để chủ động ứng phó; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Thường xuyên tổ chức đi kiểm tra các vị trí có nguy cơ bị sạt lở, không đảm bảo an toàn để ứng phó với diễn biến ATNĐ.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương ven biển nắm chắc số lượng tàu thuyền của tỉnh đang hoạt động trên biển để thông báo, kêu gọi về nơi tránh trú an toàn, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; hướng dẫn cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của ATNĐ để thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm và tìm nơi trú ẩn an toàn; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, các hoạt động kinh tế trên biển và ven bờ để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển kể từ 20h00 ngày 25-10-2021; thông báo, kêu gọi tất cả tàu thuyền về neo đậu nơi an toàn tại các khu tránh trú ATNĐ trong tỉnh và ngoài tỉnh; phát huy kinh nghiệm trong việc tổ chức lực lượng kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến, khu vực neo đậu để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Đồng thời, thông tin các bến, khu vực neo đậu tránh trú bão có khả năng tiếp nhận tàu thuyền vào neo đậu an toàn để cho các chủ tàu, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển biết vào tránh trú. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình ATNĐ lũ để tổ chức tích trữ và xả lũ các hồ chứa đảm bảo đúng quy trình vận hành các hồ chứa nước, vừa đảm bảo an toàn hồ đập (đối với các hồ đã tích trữ đầy nước hoặc không đảm bảo an toàn) vừa tích trữ thêm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trong thời gian tới; phối hợp chặt chẽ với các huyện trong việc thực hiện quy trình vận hành nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho nhân dân phía hạ lưu do xả lũ gây ra; thông báo cho chính quyền địa phương phổ biến đến nhân dân vùng hạ lưu và các cơ quan liên quan trong thời gian sớm nhất trước khi xả lũ (ít nhất 6 giờ trước khi xả lũ) để chủ động phòng, tránh và tổ chức di dời dân ở vùng hạ lưu đến nơi an toàn.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh triển khai phương án PCTT&TKCN trên địa bàn; bố trí đủ lực lượng, phương tiện tại các khu vực, địa bàn xung yếu, trọng điểm, chủ động ứng phó với mưa lũ; phối hợp, hỗ trợ các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai công tác sơ tán nhân dân, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai…Ban chỉ huy PCTT&TKCN các sở, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ và thường xuyên liên lạc với Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh để triển khai các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả hạn chế thất nhất thiệt hại người, tài sản của nhân dân và lĩnh vực ngành mình quản lý.