Việt Nam luôn thiện chí đối thoại với các nước liên quan về Biển Đông
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết diễn biến mới nhất về hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Chiều 7/8, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 08 của Trung Quốc đã dừng hoạt động khảo sát địa chấn ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Đông Nam Việt Nam, được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục theo dõi.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thông báo một số hoạt động đối ngoại của Việt Nam. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Liên quan đến vấn đề nêu trên, những ngày qua Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ ý kiến, triển khai các biện pháp các cấp với nhiều hình thức phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam đề nghị các nước tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam. Việt Nam luôn thể hiện thiện chí sẵn sàng thông qua đối thoại trao đổi với các nước liên quan để xử lý bất đồng, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại Biển Đông, cũng như vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia”.
Trả lời thông tin về hoạt động của tàu sân bay Hoa Kỳ trên khu vực Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam nhiều lần khẳng định tôn trọng quyền tự do, an ninh an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế. Duy trì hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông trên tinh thần thượng tôn pháp luật là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế”.
Ngăn chặn hàng hóa nước ngoài đội lốt Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết các biện pháp Việt Nam thực hiện để ngăn chặn hàng hóa nước ngoài đội lốt Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam kiên quyết phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi ngăn chặn gian lận thương mại, gian lận xuất xứ trên thị trường Việt Nam cũng như trong hoạt động xuất nhập khẩu nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng của Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, trong đó đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều biện pháp về nâng cao nhận thức, tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về phòng vệ thương mại, xuất xứ hải quan, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, ngăn chặn điều tra và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa.
Các bộ, ngành liên quan của Việt Nam đang thực thi nghiêm túc đề án này. Hiện Bộ Công Thương của Việt Nam đang khẩn trương xây dựng các quy định tiêu chí rõ ràng, cụ thể để làm cơ sở xác định hàng hóa xuất xứ tại Việt Nam với hàng hóa gian lận xuất xứ. Các cơ quan hải quan phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là đối với hàng hóa có rủi ro gian lận thương mại, điều tra xử lý nghiêm khắc các hành vi gian lận.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng tăng cường hợp tác, phối hợp trao đổi thông tin với các các cơ quan chức năng của các nước nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp gian lận trong hoạt động xuất nhập khẩu”.
Theo TTXVN/Báo Tin tức