Tháo gỡ khó khăn đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp sạch

(NTO) Sau hơn 6 năm thực hiện Chương trình áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), đến nay diện tích các loại cây trồng theo quy trình sạch còn chiếm tỷ lệ thấp trong 8 nhóm sản phẩm đặc thù của tỉnh. Nguyên nhân của hạn chế được xác định do đầu ra sản phẩm hẹp, giá bán chưa tương xứng với công sức của nông dân bỏ ra.

Qua khảo sát của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện tổng diện tích cây trồng sản xuất theo hướng VietGAP trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 300 ha; chủ yếu áp dụng cho cây nho và các loại rau quả. Đối với chương trình trồng nho sạch được thực hiện nằm trong khuôn khổ Dự án Nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp và Phát triển chương trình khí sinh học, triển khai vào năm 2010. Bằng việc đầu tư mạnh cho các hợp phần như: Quy hoạch vùng sản xuất an toàn; xây dựng kết cấu hạ tầng; chứng nhận sản phẩm an toàn…, đến nay dự án đã đạt được mục tiêu đề ra là tăng thu nhập và việc làm cho nông dân, tạo ra sản phẩm có năng suất và chất lượng cao.

 
Hoạt động trồng nho theo quy trình trình VietGAP của Công ty Ladora Farm Ninh Thuận.

Tại các vùng trồng nho an toàn ở xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn), phường Văn Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải)… được đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Dự án cũng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động nông dân tham gia các nhóm liên kết sản xuất; hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGAP như hướng dẫn quy trình kỹ thuật, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn. Qua đó, đã thu hút được 31 nhóm liên kết, gồm 289 hộ tham gia sản xuất nho theo VietGAP, với tổng diện tích 74,7 ha. Kết quả đánh giá của Công ty Cổ phần Chứng nhận Globalcert vào năm 2015, trong số 31 nhóm, có 28 nhóm liên kết với 66,36 ha được cấp Chứng nhận sản xuất nho VietGAP. Riêng Chương trình trồng rau an toàn triển khai trong vụ đông-xuân 2009-2010 ở xã An Hải (Ninh Phước), phường Văn Hải với vài ha ban đầu, đến nay tăng khoảng 200 ha.

Nhìn lại Chương trình VietGAP để thấy, nhu cầu của người tiêu dùng đối với rau, quả an toàn là rất lớn, nhưng các cơ sở, HTX, tổ nhóm sản xuất khó mở rộng diện tích như kỳ vọng do thiếu đầu ra ổn định. Đối với trái cây, chỉ có nho thương hiệu Ba Mọi là bán được giá cao đúng với công sức đầu tư, còn đa phần sản phẩm của các nhóm sản xuất VietGAP bán cho thương lái giá “cào bằng” như ngoài thị trường. Tình hình tiêu thụ rau an toàn cũng đang bế tắc. Theo báo cáo của xã An Hải, diện tích rau an toàn ở địa phương hơn 100 ha (tập trung ở thôn Nam Cương và Tuấn Tú), mỗi ngày thu hoạch khoảng 10 tấn, nhưng Siêu thị Co.opmart Thanh Hà chỉ tiêu thụ chừng vài tạ, số còn lại thương lái thu mua với giá ngang bằng rau sản xuất thông thường, khiến cho nhiều hộ trồng chịu nhiều thiệt thòi.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, nguyên nhân hàng nông sản sạch bế tắc đầu ra là do khâu phân phối thiếu đồng bộ, phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nội tỉnh. Theo quy trình, nông sản sạch khi thu hoạch được chuyển về các HTX để sơ chế, phân loại, đóng bao bì, dán nhãn mác trước khi giao cho doanh nghiệp tiêu thụ, nhưng sự liên kết này không chặt chẽ vì cả hai bên đều muốn được lợi trước mắt. Hạn chế của nông dân là sản xuất manh mún, không chịu đầu tư chi phí cho khâu phân loại, đóng gói ghi xuất xứ, nên người tiêu dùng không truy được nguồn gốc của sản phẩm. Đối với doanh nghiệp do muốn thu lợi nhuận cao nên chỉ mua những mặt hàng thị trường khan hiếm, không chia sẻ khó khăn với nông dân khi bị rủi ro.

Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, tuy nhiên do chưa có kênh tiêu thụ ổn định, giá bán không phù hợp với công sức đầu tư, dẫn đến nguy cơ nông dân “quay lưng” với chương trình cho dù ngành chức năng, các địa phương đã mất rất nhiều công sức chuyển giao. Để nông dân an tâm sản xuất, nhân rộng mô hình VietGAP, theo đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giải pháp hữu hiệu nhất là tháo gỡ khó khăn cho đầu ra của sản phẩm. Muốn vậy, ngành chức năng phải tăng cường công tác kiểm tra quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, dán nhãn mác cho từng loại sản phẩm GAP nhằm giúp người tiêu dùng dễ nhận biết các thông số kỹ thuật. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, sắp xếp lại mạng lưới phân phối để sản phẩm làm ra vào được hệ thống siêu thị trên toàn quốc. Tổ chức sản xuất trên quy mô lớn có sự liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị nhằm tạo ra khối lượng hàng hóa dồi dào, đáp ứng yêu cầu cung cấp thường xuyên cho các siêu thị, chợ đầu mối.