Sản xuất công nghiệp và những đột phá mới

(NTO) Đúng 9 giờ 30 phút ngày 16-4-1975, cờ Mặt trận giải phóng tung bay trên đỉnh Toà hành chính - cơ quan đầu não ngụy quyền Ninh Thuận, đánh dấu tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn giải phóng. Tuyến phòng thủ từ xa bảo vệ Sài Gòn bị đập tan đã tạo thế mở đường cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đến nay, trải qua chặng đường 42 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt từ ngày tỉnh nhà được tái lập (4-1992) đến nay, tỉnh ta đã có bước phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, bảo đảm và ngày càng nâng cao đời sống dân sinh, chất lượng an sinh xã hội. Chỉ nói riêng lĩnh vực kinh tế, một trong những thành tựu đó là sự phát triển đột phá của ngành công nghiệp, góp phần quan trọng trong việc nâng cao “vị thế” của tỉnh trong khu vực và cả nước.

 
Công ty Cổ phần Dệt may Quảng Phú tạo việc làm cho lao động địa phương.

Theo đánh giá chung, trong những năm đầu tái lập tỉnh ngành Công nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn, phát triển chậm, chủ yếu là các cơ sở cơ khí sửa chữa, chế biến đường, chế biến hải sản sơ cấp, công nghệ rất lạc hậu, năng suất thấp, cùng với những khó khăn thách thức trong điều kiện hội nhập quốc tế, nhất là sự suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến việc hình thành và phát triển ngành công nghiệp địa phương…Nhưng với chủ trương, định hướng phát triển đúng đắn, xuyên suốt 6 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đều chủ trương phát huy lợi thế, tập trung phát triển công nghiệp chế biến, xác định phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm để chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII tiếp tục khẳng định: “Khâu đột phá là phát triển các ngành công nghiệp chế biến có lợi thế của địa phương, đồng thời xác định phát triển công nghiệp năng lượng là động lực bức phá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh”. Đến Đại hội XIII tư duy mới về phát triển công nghiệp được nâng lên và khẳng định: “Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng theo hướng hội nhập, thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng”.

 
Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận-Chi nhánh Ninh Thuận đầu tư máy móc hiện đại, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
 
 
Kiểm tra hệ thống phát điện của Nhà máy Thủy điện Hạ Sông Pha (Ninh Sơn). Ảnh: Văn Miên

Với mục tiêu trên, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, đồng thời được Trung ương ban hành nhiều chính sách quy định ưu đãi ở mức cao nhất trên địa bàn tỉnh nhằm thu hút các nhà đầu tư đến Ninh Thuận như: Ưu đãi đầu tư về tiền thuê đất, thuê mặt nước và thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi; huy động nguồn kinh phí ứng trước từ doanh nghiệp để giải phóng mặt bằng nhanh; đồng thời đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư- kinh doanh theo mô hình một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường... Một số nhà máy công nghiệp hiện có đã tập trung đầu tư mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ; một số dự án đầu tư mới đã hoàn thành đưa vào sản xuất, hình thành một số sản phẩm chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh như: Nhà máy Bia Sài Gòn - Ninh Thuận, Tôm đông lạnh Thông Thuận, Dệt may Quảng Phú, chế biến nhân điều, sản xuất xi măng Luks, chế biến muối,...đã góp phần tăng nhanh giá trị sản xuất ngành công nghiệp từ 247,9 tỷ đồng năm 1992, lên 5.580,3 tỷ đồng năm 2016, tăng 22,5 lần. Bên cạnh đó, những năm gần đây lĩnh vực năng lượng được nhiều nhà đầu tư quan tâm, đến nay đã đầu tư hoàn thành đưa vào hoạt động 5 nhà máy thủy điện/30,9MW, nâng tổng số lên 6 nhà máy thủy điện với tổng công suất 190,9MW; kêu gọi đầu tư 13 dự án điện gió/1.072 MW; khảo sát nhiều dự án điện mặt trời...

 
Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp -  thu hút nhiều du khách đến tham quan.Ảnh: V.M

Về kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, nếu như ăm 1998 toàn tỉnh chỉ có 1 cụm công nghiệp Tháp Chàm, với quy mô 50 ha, đến nay đã hình thành đưa vào quy hoạch 4 khu công nghiệp và 4 cụm công nghiệp, với tổng diện tích trên 1.830 ha, trong đó có 3 khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút 19 dự án đã đầu tư hoàn thành đưa vào sản xuất, tạo việc làm ổn định trên 3.200 lao động. Hệ thống cơ sở hạ tầng trong và ngoài khu công nghiệp ngày càng được hoàn thiện. Cùng với phát triển các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề tiểu thủ công nghiệp cũng được quan tâm đầu tư và khuyến khích phát triển, thông qua chương trình khuyến công, chương trình hạ tầng du lịch đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ đào tạo, truyền nghề, xây dựng các mô hình trình diễn… giúp các làng nghề bảo tồn và phát triển, nhiều mô hình làng nghề truyền thống gắn với các tour, tuyến du lịch bước đầu hình thành như gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và Chung Mỹ…, đồng thời duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống có lợi thế của địa phương (nước mắm, rượu nho, dệt chiếu cói An Thạnh...). Sự phát triển của các làng nghề đã góp phần bảo tồn nền văn hóa dân tộc, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động ở nông thôn.

Có thể nói, tuy còn không ít khó khăn, thách thức nhưng với những kết quả đạt được sẽ là nền tảng quan trọng để ngành công nghiệp tiến xa và ngày càng có những đóng góp to lớn vào phát triển tỉnh nhà theo hướng giàu đẹp, văn minh.