Đánh thức tiềm năng sông Dinh

(NTO) Nhân kỷ niệm 25 năm Ngày tái lập tỉnh, 42 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tỉnh ta khởi công Dự án Đập hạ lưu sông Dinh (đập sông Dinh), chính thức “thuần phục” khai thác tiềm năng sông Dinh vào phát triển kinh tế-xã hội, dân sinh trên địa bàn tỉnh.

 Ngăn dòng xây đập

Có mặt tại công trình, chúng tôi ghi nhận được không khí khẩn trương của các đơn vị thi công cũng như niềm vui của người dân sống xung quanh vùng dự án. Ông Nguyễn Văn Gửi, Chỉ huy trưởng công trình (gồm liên danh các nhà thầu thi công: Công ty Cổ phần Khai thác khoáng sản Miền Nam 389, Công ty Cổ phần Hassyu Việt Nam và Công ty Cổ phần Cầu 14) cho biết: Đến nay, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành. Các đơn vị thi công đang đẩy nhanh các hạng mục hợp phần. Dự kiến, từ tháng 3 đến tháng 9-2017 sẽ thi công hoàn thành các hạng mục như: San ủi hoàn thiện khu mặt bằng công trình, lắp đặt, tập kết các loại vật tư, thiết bị thi công công trình; hoàn thành các hạng mục dưới nước như: khoan cọc nhồi, thi công các bệ, thân trụ dưới nước... Nếu trong năm 2017, tình hình mưa lũ ít, khả năng ảnh hưởng đến tiến độ thấp, chủ đầu tư sẽ căn cứ tình hình thực tế thi công tại hiện trường để chỉ đạo đơn vị tiến hành thi công các hạng mục tiếp theo. Ông Nguyễn Hân Hạnh, người dân khu phố 8, phường Tấn Tài (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) hồ hởi: “Mấy năm nay thời tiết thay đổi, hạn hán nhiều, sông Dinh khô kiệt nên biển xâm thực mặn, ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất, sinh hoạt của bà con ở hai bên bờ sông. Nay tỉnh đầu tư xây đập điều tiết nước sông Dinh sẽ giải quyết được thực trạng này, tạo điều kiện tốt cho bà con sinh sống, tạo giao thương thuận lợi, chúng tôi rất vui mừng”. Ông Hạnh cho biết thêm, ông là một trong các hộ dân đầu tiên khi nghe tỉnh triển khai dự án, gia đình đã tổ chức di dời, giải tỏa 301 m2 đất trồng cây lâu năm để thực hiện dự án.

Các đơn vị thi công đang đẩy nhanh thi công các hạng mục hợp phần dự án Đập hạ lưu sông Dinh.

Theo Quyết định số 590/QĐ-UBND ngày 10-4-2017 về việc phê duyệt điều chỉnh nội dung dự án đầu tư xây dựng công trình Đập hạ lưu sông Dinh của UBND tỉnh, đập sông Dinh cách cầu Đạo Long 1 khoảng 1,8 km về phía biển, nằm trên địa bàn 2 xã, phường (phường Tấn Tài, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm và xã An Hải, Ninh Phước). Đập bao gồm các hạng mục: Đập dâng tạo hồ chứa nước gần 3,5 triệu m3, có 6 cửa van thép điều tiết nước, đóng mở bằng hệ thống điện tử. Các cửa van có âu thuyền rộng đảm bảo khả năng cho thuyền du lịch dài 21 m, rộng 6,2 m qua lại bình thường. Nằm kế thân đập là cầu giao thông nối 2 bờ sông Dinh được thiết kế 4 làn cho ô tô và 2 làn cho người đi bộ. Chiều dài cầu 480 m, chiều rộng 18 m, thi công trong năm 2015-2020, tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng.

Ông Lại Nguyễn Vĩnh Phúc, Trưởng phòng Quản lý công trình thủy lợi, đê điều và nước sạch nông thông (Chi cục Thủy lợi-đơn vị chủ đầu tư) nhấn mạnh: Đây là dự án trọng điểm năm 2017 của tỉnh, dự án được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bộ, ngành Trung ương, với mục tiêu sớm thi công xây dựng hoàn thành các dự án, đưa dự án vào khai thác sử dụng, UBND tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư, các đơn vị thi công cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, lưu ý đảm bảo chất lượng công trình tốt nhất; quá trình thi công xây lắp công trình có phát sinh vướng mắc, bất cập kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết theo quy định, thẩm quyền để đảm bảo tiến độ thi công chung của dự án.

Tiềm năng được khai thác

Sông Dinh (sông Cái) là sông lớn nhất của tỉnh, dòng chảy trên sông Dinh rất dồi dào, bình quân hằng năm khoảng 2,5 tỷ m3. Tuy nhiên, do dòng chảy phân phối không đều nên mùa lũ thường tập trung trên 80% lượng dòng chảy trong năm, gây nên tình trạng ngập lụt trên diện rộng hai bên bờ sông Dinh. Mùa khô chỉ chiếm khoảng 15-20% lượng dòng chảy trong năm gây khô hạn, xâm thực mặn vùng hạ lưu. Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, hạn hán khốc liệt, tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt sinh hoạt, sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc không khai thác được nguồn tài nguyên nước lớn, vô cùng quý báu trên sông Dinh để phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ dân sinh, đây là một điểm bất lợi đối với tỉnh!

Công nhân thi công trên công trình đập dâng Sông Dinh. Ảnh: Sơn Ngọc

Ông Thái Quốc Hiền, Chủ nhiệm công trình Đập sông Dinh (Đơn vị tư vấn thiết kế Liên doanh Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam-Trung tâm Tư vấn Khoa học Công nghệ Phát triển Tài nguyên nước) cho biết: Đầu tư xây dựng đập sông Dinh có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Ninh Thuận, khi hoàn thành, công trình sẽ góp phần giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội, dân sinh của tỉnh.

Trực tiếp, công trình sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng xâm nhập mặn do ảnh hưởng của thủy triều đối với vùng đất hai bên bờ sông đoạn qua Tp. Phan Rang-Tháp Chàm và xã An Hải (Ninh Phước); tạo hồ chứa giữ nước ngọt khoảng 3,5 triệu m3 (về phía thượng lưu), cung cấp chủ động nước tưới cho khoảng 750 ha đất sản xuất nông nghiệp, khoảng 200 ha nuôi trồng thủy sản, nước sinh hoạt khoảng 1.200 hộ và khoảng 24.000 vật nuôi ở khu vực xây đập; tạo nguồn để xây dựng hệ thống cấp nước cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, đồng thời cấp nước bổ sung cho các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Thuận Nam, Ninh Phước; với cao trình 2,5 m, cả lưu vực từ bờ đập sông Dinh lên đến đập Lâm Cấm sẽ là lòng hồ nước điều hòa khí hậu khu vực Tp. Phan Rang-Tháp Chàm và vùng lân cận. Cùng với kết hợp cầu giao thông bên thân đập, tạo điều kiện để phát triển giao thông đường bộ theo hướng quy hoạch Tp. Phan Rang-Tháp Chàm hai bờ sông nối với huyện Ninh Phước, mở rộng quy hoạch đô thị, phục vụ phát triển du lịch, tạo cảnh quan môi trường và sắp xếp dân cư 2 bên bờ sông. Ngoài ra, công trình nằm gần cuối cửa sông đổ ra biển, đây là cửa sông chính tiêu thoát lũ cho lưu vực sông Dinh, còn đảm bảo khả năng cắt lũ, thoát lũ nhanh.

Không xa nữa, khi đập sông Dinh hoàn thành và đưa vào sử dụng, dòng sông Dinh sẽ không còn tĩnh lặng và lắng xuống mỗi khi mùa khô hạn đến. Những làng quê, khu dân cư bên dòng sông Dinh đã, đang dần chuyển mình theo nhịp sống đô thị hóa. Đây thực sự là những cú hích và điểm nhấn quan trọng tạo đà cho phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản và đô thị ven dòng sông Dinh sẽ được đánh thức.