Để du lịch Ninh Thuận "cất cánh": Nhìn từ công tác phát triển hạ tầng du lịch

(NTO) Những năm qua, thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 10-4-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, có thể nói ngành Du lịch tỉnh nhà đã có bước phát triển đáng ghi nhận, lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tham gia các môn thể thao trên biển như lướt ván diều… ngày càng tăng. Chỉ tính trong năm 2016, ngành Du lịch đã đón 1,7 triệu lượt du khách, tăng 13,33% so với cùng kỳ năm trước, đạt 103% kế hoạch năm. Trong số này, khách quốc tế ước đạt 55.000 lượt, tăng 37,5%; khách nội địa trên 1,64 triệu lượt, tăng 12,67%, vượt 9,6% kế hoạch.

Phát triển hạ tầng, từng bước đáp ứng nhu cầu du khách

Những con số nêu trên là kết quả từ sự nỗ lực của toàn ngành, trong đó công tác quảng bá xúc tiến du lịch của tỉnh ngày càng mạnh mẽ và đi vào chiều sâu, đến nay đã và đang được nhiều du khách cả trong và ngoài nước biết đến. Đặc biệt, để góp phần quan trọng vào thành công nói trên là công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư và phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch ngày càng khởi sắc, từng bước đáp ứng nhu cầu “thụ hưởng, khám phá” của du khách. Nhìn lại năm 2016, có thể xem là “điểm nhấn” đó là trong “Danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020”, thì ngành Du lịch đã có 13 dự án trong tổng số 123 dự án thuộc các lĩnh vực. Sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh (ngày 27-8-2016) đã thu hút được 2 dự án du lịch đã ký biên bản ghi nhớ: Dự án Khu du lịch Mũi Dinh EcoPark của Công ty Cổ phần Mũi Dinh EcoPark; Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng mũi Sừng Trâu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen và các dự án thuộc các lĩnh vực khác. Ngoài ra, trong năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tham mưu UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng khách sạn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 43 dự án, với tổng diện tích trên 1.100 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 11.000 tỷ đồng.

 
Du khách tham quan tại Hang Rái (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải).

Về cơ sở lưu trú, trong năm 2016, có 9 khách sạn mới đăng ký hoạt động với 126 phòng, nâng tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh lên 108 cơ sở, với 2.300 phòng; trong đó bao gồm 1 resort cao cấp 53 phòng (Amanơi), 1 khách sạn 4 sao (122 phòng), 1 khách sạn 3 sao (188 phòng), 8 khách sạn 2 sao (531 phòng), 10 khách sạn 1 sao (174 phòng) và các cơ sở lưu trú đạt chuẩn khác, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách đến tham quan, lưu trú tại tỉnh trong những ngày bình thường (trừ ngày Lễ, tết thường không đáp ứng đủ phòng). Không chỉ có nghỉ dưỡng, thời gian qua, ngành đã chú trọng khuyến khích phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm, nhà hàng ăn uống… Đơn cử như Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đã hình thành các sản phẩm chính như: Khu trung tâm dịch vụ thành phố đã và đang phát triển với đầy đủ tiện ích phục vụ khách gồm các dịch vụ giải khát, ăn uống nhanh, vui chơi giải trí trẻ em được hình thành rộng khắp... Hiện nay, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đang phối hợp với các ngành triển khai đầu tư việc trồng cây xanh, xây dựng nhà vệ sinh công cộng ngầm, bố trí các dịch vụ bán hàng lưu niệm, quầy thông tin du lịch, các dịch vụ giải trí công cộng dành cho mọi lứa tuổi, chợ đêm liền kề Công viên 16 Tháng 4… Bên cạnh đó, các khu du lịch Vĩnh Hy, Bình Tiên, Tháp Pô Klong Garai, làng Gốm Bàu Trúc, làng Dệt Mỹ Nghiệp, Vườn quốc gia Núi Chúa, Vườn Quốc gia Phước Bình, thác SaKai, thác Chapơr, Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm, Hội quán Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm văn hóa các huyện, thành phố, hệ thống siêu thị Co.opmart, Vinmark, Công viên 16 Tháng 4, Công viên biển, Bảo tàng tỉnh, Tượng đài, công viên Ninh Hải… cùng với nhiều nhà hàng lớn với sức chứa 300-400 chỗ, đủ đáp ứng cho nhiều đoàn khách lớn và tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo; một số cửa hàng thời trang mua sắm, các điểm ăn uống về đêm, karaoke… được đầu tư, nâng cấp về hình thức lẫn chất lượng, cũng như các điểm bán đặc sản địa phương phát triển ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, hưởng thụ dịch vụ của người dân và du khách...

Cần có quyết tâm phát triển

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng đến nay hạ tầng du lịch vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, đó là giao thông đến các điểm du lịch tiềm năng như Cồn cát Nam Cương, thác Chapơr, hạ tầng Khu du lịch Ninh Chử - Bình Sơn, hạ tầng Khu du lịch cao cấp Bến du thuyền Vĩnh Hy,... chậm được đầu tư do chưa bố trí được nguồn vốn. Cơ sở vật chất kỹ thuật (khách sạn, resort...) chưa đáp ứng nhu cầu cao của du khách, các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú hầu hết thuộc hạng vừa và nhỏ, với số lượng phòng đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên chỉ chiếm 30% tổng số phòng hiện có (2.150 phòng); trong khi đó 43 dự án đầu tư du lịch các huyện, thành phố ven biển đã được tỉnh chấp thuận chủ trương, cấp Giấy chứng nhận đầu tư có tiến độ triển khai quá chậm làm lãng phí tài nguyên du lịch. Các dự án khu du lịch cao cấp nghỉ dưỡng tại khu vực phía Đông Bắc của tỉnh đã được xác định trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Ninh Thuận và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (khu vực dải ven biển từ Ninh Chử ra đến Bình Tiên), từ ngày triển khai dự án đã trên 10 năm, song hiện vẫn trong tình trạng “đóng băng”. Mặt khác, công tác đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch chưa theo kịp yêu cầu tăng trưởng kinh tế. Thể hiện rõ qua việc số cơ sở kinh doanh có các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao còn ít. Các dự án tại các địa bàn mới, loại hình dịch vụ du lịch mới, các khu vui chơi giải trí, các trung tâm mua sắm mới chưa thu hút được nhà đầu tư; chưa xây dựng được sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn tại địa bàn các huyện, nhằm thu hút khách du lịch lưu lại dài ngày... đã làm ảnh hưởng đến cơ cấu, loại hình sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch của tỉnh.

Du khách quốc tế tham gia hoạt động lướt ván diều tại bãi biển Mỹ Hòa (Vĩnh Hải, Ninh Hải).

Năm 2017, toàn ngành phấn đấu thu hút trên 1,75 triệu lượt du khách, trong đó riêng khách quốc tế 100 ngàn lượt. Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt trên 870 tỷ đồng. Để thực hiện đạt và vượt kế hoạch đã nêu, vấn đề cần quan tâm là nhận rõ những mặt còn hạn chế để có giải pháp khắc phục hiệu quả. Đặc biệt, ngành Du lịch tỉnh nhà cần cụ thể hóa 8 nhóm giải pháp cốt lõi theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị "Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn", trong đó quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch...