Đến với học sinh Ma Nới những ngày cuối năm

(NTO) Ma Nới là một xã vùng cao của huyện Ninh Sơn. Nếu đi bằng xe máy từ Tp. Phan Rang-Tháp Chàm lên đến trung tâm xã cũng mất hơn 2 giờ đồng hồ với con đường đèo dốc quanh co, đó là chưa kể từ trung tâm xã vào đến những thôn xa xôi nhất cũng phải qua 15-30 km đường rừng. Lên lại xã vùng cao Ma Nới lần này vào một ngày cuối năm, con đường dẫn vào xã đã dễ đi hơn trước nhiều...

Trên địa bàn xã, ngoài hai trường là TH Ma Nới và THCS Phan Đình Phùng được xây dựng gần trụ sở xã, còn một ngôi trường không những ở rất xa trung tâm xã, mà còn đi lại hết sức khó khăn, đó là Trường TH Tà Nôi (thôn Tà Nôi), nơi hàng ngày các thầy, cô giáo phải lội qua 7 con suối mới đến được. Và ở mỗi thôn xa trung tâm xã còn có các điểm trường: Điểm trường thôn Do, Điểm trường thôn Gia Hoa và Điểm trường thôn Hà Dài, các điểm trường này đều đã xuống cấp và chỉ là nơi học tạm của các học sinh sống tại các thôn đó, hầu hết là dân tộc Raglai.

Giáo viên Trường TH Ma Nới hết lòng vì học sinh thân yêu.

Đến thăm Trường TH Ma Nới, em Vari Nhông Thân, học sinh lớp 4A, cho biết: Nhà em ở thôn Gia Rót và phải đi bộ để đến trường, sáng đi học, chiều về phụ cha cắt cỏ và chăm sóc mấy con bò. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm học 2016-2017, Trường TH Ma Nới có 477 học sinh/24 lớp, trong đó 12 lớp được tổ chức học 2 buổi/ngày. Tuy nhà trường còn nhiều khó khăn, đường sá đi lại chưa thuận lợi, nhưng các thầy cô vẫn luôn cố gắng chăm lo cho các em học sinh đến trường học tập tốt. Thầy Cao Trọng Bằng, Hiệu trưởng Trường TH Ma Nới, cho biết: “Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã đề ra nhiệm vụ xuyên suốt cho cả năm học, trong đó chú trọng các biện pháp vận động học sinh ra lớp, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng dưới 2%, giáo dục kỹ năng, đạo đức, lối sống cho học sinh, xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, đưa các nội dung giáo dục văn hóa truyền thống địa phương vào nội dung bài học và các môn học cho các em...”. Trao đổi với chúng tôi, các thầy cô chia sẻ: Vất vả nhất đối với giáo viên nơi đây là sau các kỳ nghỉ tết, học sinh thường tự nghỉ rất dài ngày và có nhiều em vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên thường bỏ học. Những lần như thế, các giáo viên trong trường lại phải băng rừng, lội suối đến tận nhà để động viên các em trở lại lớp.

Cô Nguyễn Thị Bích Hiền, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A, Trường TH Ma Nới, chia sẻ: Mặc dù gắn bó với các em chỉ gần một năm kể từ ngày tốt nghiệp ra trường, đường đến trường xa xôi, hiểm trở, cơ sở vật chất của trường chưa được khang trang như bao trường khác trên địa bàn huyện, nhưng mỗi khi nhìn những ánh mắt hồn nhiên, sự nỗ lực của các em, cùng những giọng đọc, nét chữ thân quen, thì tôi lại không nỡ xa rời các em.

Tết Đinh Dậu 2017 đang đến gần, hầu hết các thầy cô nơi đây đều mong sao cứ đến mỗi dịp Tết đến, Xuân về, học sinh của mình sẽ có thêm nhiều quần áo mới, bởi điều đó sẽ góp một phần động lực to lớn giúp các em đến trường và cũng là lời động viên cho chính những người thầy, người cô nơi vùng cao Ma Nới này ngày đêm tận tụy, mang “con chữ” đến với học sinh.

Rời Ma Nới, phía sau là hình ảnh những đồi bắp, nương chuối cứ xa dần, khuất sau những dãy núi cao. Suốt quãng đường dài, trong tâm trí chúng tôi cứ hiện lên hình ảnh về “những nụ cười ngây thơ” của những học sinh nơi xã vùng cao này.