Tìm lời giải cho bài toán giảm khai thác hải sản ven bờ

(NTO) Khai thác hải sản xa bờ với những con tàu công suất lớn để "đủ sức" vươn khơi, bám biển dài ngày… là chủ trương lớn của ngành Thủy sản cả nước nói chung. Vậy, tỉnh ta đã thực hiện ra sao?

Những kết quả đáng ghi nhận.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 2.756 tàu cá, với tổng công suất trên 289.972 CV, bình quân đạt 105,2 CV/chiếc, tăng 28,17CV/chiếc so với cuối năm 2013 (77,03 CV/chiếc). Tuy nhiên, trong số này, tàu cá dưới 20 CV vẫn còn đến 1.216 chiếc, nhưng tổng công suất chỉ có gần 16.866 CV. Có thể nói đây là "lực cản" lớn nhất trong việc "đẩy lùi" tình trạng đánh bắt hải sản ven bờ, với những công cụ mang tính hủy diệt nguồn lợi.

Tàu thuyền của ngư dân thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) chuẩn bị ra khơi đánh bắt hải sản.

Với quan điểm, việc tổ chức lại nghề khai thác hải sản phải đảm bảo an toàn, ổn định, bền vững, khai thác một cách hợp lý nguồn lợi tự nhiên phù hợp với định hướng phát triển ngành, năm 2013, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11/2013/NQ-HĐND về việc phê duyệt Đề án tổ chức lại nghề khai thác hải sản tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2013-2020, với mục tiêu chủ yếu là phân cấp 100% nhiệm vụ quản lý tàu cá gắn máy có tổng công suất máy chính nhỏ dưới 20 CV và vùng nước ven bờ cho UBND cấp huyện, thành phố. Cơ bản chấm dứt hoạt động khai thác hải sản bằng nghề vây rút có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, chất nổ, hóa chất độc trên các vùng biển. Ổn định các nghề truyền thống của ngư dân đang hoạt động khai thác tại vùng biển ven bờ trong tỉnh và vẫn mang lại hiệu quả kinh tế; từng bước chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bằng các hình thức mang tính hủy diệt nguồn lợi… Thực hiện tinh thần Nghị quyết nói trên, sau khi tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn của UBND cấp huyện, xã vùng biển, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản bàn giao 1.249 hồ sơ tàu cá có tổng công suất máy chính nhỏ dưới 20 CV cho UBND cấp huyện tiếp tục quản lý theo phân cấp. Trong đó, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm 242 chiếc; huyện Ninh Hải 636 chiếc; huyện Thuận Nam 352 chiếc; huyện Thuận Bắc 19 chiếc.

Nhằm ngăn chặn và đi đến chấm dứt hành vi sử dụng chất nổ, hoá chất độc và ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định để khai thác thủy sản trên các vùng biển, những năm qua Chi cục Thủy sản triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: tuyên truyền, vận động; ký cam kết không vi phạm; kiểm tra ngư cụ trước khi giải quyết giấy phép khai thác thủy sản đối với nghề lưới vây; thường xuyên tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên biển và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Từ năm 2013 đến nay, qua công tác tuần tra, kiểm soát trên biển đã phát hiện lập biên bản và đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt 95 trường hợp vi phạm... Qua đó, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành những quy định của Nhà nước về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong ngư dân. Mặt khác, ngành còn khuyến kích, vận động ngư dân chuyển đổi nghề khai thác từ vùng lộng ra vùng khơi và vùng biển xa. Thời gian qua, ngư dân tỉnh ta đã đầu tư đóng mới 72 chiếc/30.485 CV, bình quân 423,4 CV/chiếc; cải hoán thuyền nghề 224 chiếc, tăng thêm 15.421CV... Đây cũng là điều kiện để ngư dân vươn khơi khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Nếu năm 2013 toàn tỉnh khai thác được 66.300 tấn hải sản các loại thì đến năm 2016 này đã nâng lên gần 84.000 tấn.

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền và phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương vùng biển, vận động ngư dân thành lập các Tổ ngư dân đoàn kết khai thác hải sản trên biển nên đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong hơn 2 năm qua đã vận động thành lập thêm 68 tổ với 506 tàu cá tham gia, nâng tổng số Tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển toàn tỉnh lên 137 tổ, với 810 tàu cá tham gia. Trong đó, có 755 tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên, chiếm 77,91% tổng số tàu cá từ 90CV trở lên của tỉnh.

Hạn chế cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả đạt được như đã nêu trên vẫn còn một số hạn chế. Đó là tình trạng khai thác hải sản ven bờ vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn còn xảy ra khá phổ biến ở nhiều xã vùng biển, mặc dù các cấp, ngành trong tỉnh đã phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, kể cả xử lý vi phạm hành chính như tịch thu, tiêu hủy... Cụ thể là tình trạng khai thác hải sản bằng nghề lưới vây có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định (nghề vây rút mùng) vẫn lén lút diễn ra, nhất là khi không có lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát trên biển. Thậm chí một số ngư dân còn cố tình đầu tư phát triển tàu cá để hành nghề này, bất chấp quy định... cấm!. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có trên 195 tàu cá/42.240 CV đang hoạt động khai thác bằng nghề lưới vây rút mùng. Nguyên nhân là do vẫn còn một bộ phận ngư dân chưa nâng cao ý thức tự giác trong việc chấp hành các quy định của nhà nước, vẫn cố tình đầu tư phát triển tàu cá để khai thác hải sản bằng nghề vây rút mùng; tình trạng đối phó với các cơ quan quản lý nhà nước ngày càng phổ biến, có phần tinh vi hơn. Không những vậy, công tác nắm bắt tình hình, rà soát, thống kê số lượng tàu cá đang hoạt động khai thác hải sản bằng nghề vây rút mùng của chính quyền địa phương vùng biển chưa chặt chẽ; UBND các huyện, thành phố chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này...

Ngư dân thị trấn Khánh Hải được mùa cá .

Đâu là giải pháp?

Để triển khai thực hiện tốt Đề án tổ chức lại nghề khai thác hải sản tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn sắp tới, theo lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức để toàn thể ngư dân được biết, tự giác chấp hành những quy định của nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương vùng biển vận động ngư dân tích cực đầu tư nâng cấp thuyền nghề vươn khơi khai thác hải sản tại các vùng biển xa; thay đổi tập quán sản xuất, tích cực liên kết với nhau thành tổ đoàn kết khi hoạt động thủy sản trên biển tiến tới thành lập các đội khai thác trên biển và nghiệp đoàn nghề cá. Tiếp tục phân công cán bộ chuyên môn phối hợp cùng ngư dân tổ chức khảo sát thăm dò ngư trường khai thác, tham gia trực tiếp khai thác với ngư dân trên các vùng biển, từ đó nghiên cứu đề xuất chuyển đổi nghề cho ngư dân đang hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ, những nghề có xâm hại đến môi trường...

Có thể nói, giải pháp không thiếu nhưng mấu chốt vẫn là ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản của ngư dân cũng như công tác quản lý ngay từ chính quyền cơ sở và trách nhiệm của ngành chức năng trong việc định hướng bảo vệ nguồn lợi, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm...