Cuộc thi tìm hiểu các loại mô hình HTX kiểu mới Ninh Thuận năm 2016:

Mô hình Hợp tác xã kiểu mới ở Lâm Sơn

(NTO) Nằm trong khuôn khổ Dự án Xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với chuỗi giá trị ngành Nông nghiệp tại tỉnh ta do KOICA và Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) tài trợ, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Tầm Ngân (xã Lâm Sơn, Ninh Sơn) được thành lập vào tháng 8-2015, hoạt động có nhiều điểm mới so với các HTX trước đây.

Nổi bật nhất là HTX đã đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, chú trọng mang lại lợi ích nhiều nhất cho nông dân. Với đặc điểm các thành viên của HTX là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn khó khăn, nên HTX đã vận động bà con canh tác loại cây trồng có giá trị kinh tế, theo hướng làm chủ công nghệ cao, tự duy trì để phát triển. HTX không mở rộng hoạt động trên nhiều lĩnh vực, mà chỉ tập trung chuyên sâu vào sản xuất ớt để xuất khẩu. Vụ ớt cuối năm 2015, HTX cho 19 hộ nông dân ở thôn Tầm Ngân 2 vay gần 200 triệu đồng; đồng thời, cho thuê máy móc, nông cụ để triển khai mô hình khảo nghiệm ớt.

 
Anh Dà DRoách Ha Khiết, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tầm Ngân
trực tiếp ra đồng hướng dẫn nông dân chăm sóc cây ớt.

Từ việc tích cực hỗ trợ chuyển giao ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, HTX đã làm tốt vai trò trung gian liên kết nông dân “dồn điền” sản xuất ớt theo mô hình “cánh đồng lớn”. Phương thức hoạt động tập trung mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, sẵn sàng chia sẻ rủi ro trong sản xuất nông nghiệp đó là bí quyết để HTX thu hút được nhiều thành viên tham gia vào sản xuất theo chuỗi giá trị. Từ 19 thành viên khi mới thành lập, hiện nay HTX đã tăng lên 32 thành viên, diện tích sản xuất đạt 15ha và còn tiếp tục tăng trong những vụ tới.

Để giữ cam kết thu mua hết sản phẩm ớt cho nông dân, HTX đang xúc tiến xây dựng nhà máy sơ chế ớt bột, tương ớt. HTX luôn công khai thông tin về hệ thống quản lý hiệu quả, giá cả ớt tươi, ớt qua sơ chế rộng rãi giúp nông dân lựa chọn tham gia vào từng khâu của chuỗi giá trị, tạo thêm thu nhập. Cụ thể, HTX thu mua ớt nhặt cuống giá cao hơn 15% so với ớt tươi nguyên trái. Sáng kiến các thành viên có thể tham gia ở một khâu sơ chế, nhận được phần thu nhập tăng thêm từ HTX là yếu tố giúp mối liên kết giữa HTX và nông dân ngày càng khăng khít.

Hoạt động vì cộng đồng của HTX đã khơi dậy ý chí tự lực, tinh thần làm chủ, chịu trách nhiệm về cuộc sống, giúp nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, tạo thêm thu nhập. Vụ ớt đầu tiên vào cuối năm 2015, dù sản xuất gặp khó khăn do nắng hạn, nhưng tổng sản lượng ớt thu được hơn 24 tấn. Hiện tại, HTX tiếp tục đầu tư với mức độ cao hơn để sản xuất ớt ở quy mô lớn hơn. Mô hình trồng ớt ứng dựng công nghệ cao với hệ thống tưới nhỏ giọt là kết quả của hoạt động kết nối cộng đồng, vận động tổ chức nước ngoài hỗ trợ phương tiện, nông cụ mà HTX thực hiện trong thời gian qua đã làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của đồng bào khu vực miền núi.

Anh Dà Droách Ha Khiết, Giám đốc HTX, cho biết: Trước đây, khu vực này sản xuất manh mún với nhiều loại cây trồng khác nhau. Để khuyến khích người dân hợp tác cùng sản xuất một loại cây trồng, đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp giống, chuyển giao công nghệ trồng trọt, cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm với giá thỏa thuận chứ không áp đặt theo kiểu chỉ có lợi cho doanh nghiệp. Chính mô hình hoạt động cộng đồng, cùng chia sẻ lợi ích do HTX khởi xướng đã tạo điều kiện để nông dân an tâm ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất lâu dài, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Có thể nói, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tầm Ngân vận hành theo cơ chế mở, với quy trình sản xuất khép kín từ khâu canh tác, thu hoạch, sơ chế đến tiêu thụ. Các sản phẩm ớt sau sơ chế của HTX khá đa dạng và phong phú được kiểm soát về chất lượng nên đầu ra rộng. “Thời gian tới, hướng phát triển của HTX là tiếp tục mở rộng diện tích canh tác, tiếp nhận công nghệ, quy trình sản xuất, chế biến ớt công nghệ cao của Hàn Quốc”- anh Dà Droách Ha Khiết nói.