Ngành Nông nghiệp khắc phục hậu quả do mưa

(NTO) Mưa liên tiếp những ngày qua ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Nhiều diện tích trà lúa sớm vụ mùa bị ngã đổ, ảnh hưởng đến năng suất. Ngành Nông nghiệp, các địa phương và nông dân trong tỉnh đang dồn sức khắc phục thiên tai, khôi phục sản xuất.

Đồng chí Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Chưa thể thống kê một cách chính xác, nhưng có tới hàng trăm ha trà lúa sớm vụ mùa ở giai đoạn sắp thu hoạch và đòng trổ bị ngập nước, đỗ ngả. Các loại cây ăn quả, rau màu cũng bị ảnh hưởng. Thuận Nam là huyện có diện tích lúa bị đổ nhiều nhất (khoảng 400ha) tập trung ở các vùng trũng ở xã Phước Ninh, Phước Nam. Sau một thời gian dài địa phương ngưng sản xuất lúa do nắng hạn, đầu vụ mùa có mưa huyện chủ trương tái sản xuất lúa trở lại với tổng diện tích 2.400 ha. Nông dân chưa kịp mừng vừa mới vượt qua hạn hán, nay lại phải lo chống ngập úng. Chị Từ Nữ Mây ở thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam có 6,5 sào lúa mới chín bị ngập nước phải cắt non, năng suất giảm 60%. Một số hộ khác cũng ở trong tình cảnh tương tự.

Chị Từ Nữu Mây, thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam (Thuận Nam) thu hoạch lúa vụ mùa bị ngập úng

Mưa cũng làm cho một số diện tích hành, tỏi vừa mới xuống giống ở xã Nhơn Hải, Thanh Hải, Vĩnh Hải (Ninh Hải) bị dập lá. Anh Bùi Quang Thành, ở thôn Khánh Phước (xã Nhơn Hải) lo lắng: Nếu trời tiếp tục mưa nguy cơ cây hành con thối rễ dẫn đến chết rất cao. Các hộ trồng hành đang lo lắng vì giá giống hiện tại khan hiến, cao gấp rưỡi so với vụ cùng kỳ, nhiều hộ không đủ khả năng đầu tư tái sản xuất nếu như hành bị chết do mưa lớn.

Trước tình hình thời tiết tiếp tục có mưa, để hạn chế những thiệt hại cho cây trồng, ngày 4 -11,  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập đoàn công tác về các huyện nắm bắt tình hình, khẩn trương thực hiện các biện pháp khôi phục sản xuất. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cũng đã chỉ đạo các trạm bơm sẵn sàng thực hiện bơm tiêu úng; đồng thời, có kế hoạch xã lũ ở các hồ chứa hợp lý để không gây ngập vùng hạ lưu. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương khuyến cáo nông dân thực hiện các biện pháp bảo vệ, chăm sóc cây trồng trước và sau mưa.

Bà Nguyễn Thị Hợi ở thôn Thuận Hòa (Phước Thuận, Ninh Phước) bơm tháo nước, cứu hoa màu. Ảnh: Sơn Ngọc

Theo đồng chí Phạm Dũng: Khi trời đang mưa công việc cần làm là khơi thông dòng chảy, tháo nước trong ruộng để tránh cây trồng bị đỗ ngã. Sau mưa, các địa phương cần tập trung vận động nông dân khẩn trương thu hoạch diện tích lúa đổ đã chín, phơi phóng để hạt thóc không nảy mầm. Đối với cây rau màu, không để nước đọng trên mặt ruộng, xớt tháo tạo độ xốp cho đất, tiến hành vệ sinh đồng ruộng cắt bỏ cành, lá bị dập, thối. Những diện tích bị thiệt hại nặng tiến hành cải tạo đất, nhanh chóng xuống giống mới để không chậm thời vụ.

Mới bước vào vụ màu, nông dân trên toàn tỉnh đã gặp khó khăn, nhưng bà con vẫn hy vọng có vụ mới được mùa, được giá, bù đắp những thiệt hại do thời tiết khắc nghiệt thời gian qua.