VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Tạo đột phá mới cho tăng trưởng kinh tế !

(NTO) UBND tỉnh vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Đây vừa là sự cụ thể hóa Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 22-7-2016 của Chính phủ và Chương trình hành động số 59-CTHĐ/TU ngày 30-6-2016 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, đồng thời vừa còn nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và hội nhập quốc tế; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, trọng tâm giảm nghèo bền vững; bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu...

Nhà máy Bia Sài Gòn- Ninh Thuận hoạt động hiệu quả, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.

Chỉ nói riêng ở lĩnh vực kinh tế, UBND tỉnh xác định các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020 như: Tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh đạt 10-11%/năm, trong đó: Công nghiệp - xây dựng chiếm 30-31%; Nông, lâm, thủy sản chiếm 28-29%; dịch vụ chiếm 39-40% GRDP, với giá trị gia tăng các ngành hàng năm: Nông, lâm nghiệp và Thủy sản tăng 5-6%/năm; Công nghiệp - xây dựng tăng 14-15%/năm; dịch vụ tăng 11-12%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 58-60 triệu đồng/người; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 khoảng 51-55 ngàn tỷ đồng...

Để thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng nói trên, UBND tỉnh xác định tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh phát triển kinh tế, chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động, từng bước nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh; hình thành các sản phẩm đặc thù có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Theo đó, thực hiện phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường, tiếp tục thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược về đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút đầu tư phát triển; phát triển kinh tế biển là động lực, trọng tâm phát triển năng lượng sạch, du lịch, nông-lâm-thủy sản gắn với công nghiệp chế biến. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; chú trọng canh tác theo mô hình tiết kiệm nước; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, nhất là khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng, tiểu vùng; bảo quản sản phẩm nông nghiệp để giảm tổn thất và nâng cao giá trị gia tăng. Thu hút các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Chú trọng phát triển thủy sản, đồng bộ cả khai thác, nuôi trồng gắn với chế biến; Xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước...Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương của tỉnh phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020. Đầu tư đồng bộ hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, nhất là khu công nghiệp Cà Ná gắn đầu tư cảng biển nước sâu; thúc đẩy khởi công và sớm đưa vào hoạt động các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thu hút các dự án công nghiệp như: công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản... Thúc đẩy phát triển lĩnh vực dịch vụ, thương mại theo hướng văn minh, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Thu hút các nhà đầu tư chiến lược để thực hiện dự án du lịch cấp cao, có chính sách phát triển mạnh mẽ du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn 2016-2020; nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách du lịch...

Vấn đề không kém phần quan trọng là tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; thường xuyên theo dõi tình hình phát triển doanh nghiệp, tổ chức đối thoại công khai định kỳ với cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh...

Để Chương trình đã nêu nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, vấn đề đặt ra là các ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc việc cụ thể hóa các chỉ tiêu chung của tỉnh sát đúng với thực tế từng ngành, địa phương gắn với các giải pháp có tính khả thi cao... Suy cho cùng, điều cơ bản vẫn là “nói đi đôi với làm“ như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động.