Hiệu quả xã hội hóa giáo dục ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi

(NTO) Trường PT DTBT THCS Nguyễn Văn Trỗi đóng trên địa bàn xã Phước Trung (Bác Ái), chủ yếu học sinh (HS) là con em đồng bào dân tộc Raglai theo học. Do điều kiện kinh tế của bà con ở đây còn khó khăn, nên việc quan tâm của phụ huynh đến việc học của con cái còn rất hạn chế. Để nâng cao chất lượng giáo dục cũng như nâng cấp cơ sở trường lớp, vài năm trở lại đây, ngoài việc đổi mới phương pháp giảng dạy, nhà trường luôn đẩy mạnh thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục (XHHGD) nhằm huy động nguồn lực xã hội phục vụ việc dạy và học được tốt hơn. Cô giáo Huỳnh Lê Kim Thoa, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Để cải thiện điều kiện, môi trường học tập, thu hút HS đến lớp, Ban Giám hiệu nhà trường chủ động phối hợp với Hội Khuyến học, Hội Cha mẹ HS, các đoàn thể địa phương triển khai chương trình XHHGD toàn diện; tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ, đóng góp kinh phí sửa sang phòng học, tặng quà, trao học bổng cho HS… Qua đó, góp phần chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng các em vươn lên trong học tập.

 
Chào cờ đầu tuần của HS Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi.

Với cách làm hiệu quả, thiết thực trên, từ năm học 2012-2013 đến nay, nhà trường đã vận động được gần 336 triệu đồng. Theo đó, tiến hành bê-tông gần 1.200m2 sân trường, sơn sửa tường rào, nhà vệ sinh, sắm bàn ghế, trang bị dụng cụ học tập… nên khuôn viên nhà trường ngày thêm khang trang, sạch đẹp, tạo động lực cho HS đến trường. Bên cạnh đó, mỗi khi vào năm học mới, nhà trường đều kêu gọi các tổ chức xã hội, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ quần áo, sách vở, xe đạp cho những em có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều phụ huynh cũng tự nguyện đóng góp ngày công để cùng nhà trường xây dựng hoàn thiện các công trình, tham gia làm vệ sinh, trồng cây xanh trong khuôn viên trường, tạo môi trường học tập thân thiện.

Qua hoạt động XHHGD đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân và xã hội về sự nghiệp giáo dục, cơ sở vật chất trường lớp dần được đảm bảo, HS đến trường chuyên cần tăng lên. Năm học 2015-2016, toàn trường có hơn 52% HS có học lực khá, giỏi; tỷ lệ vận động HS ra lớp trong năm học 2016-2017 đạt gần 100%, chất lượng giáo dục cũng từng bước được nâng lên.