Đừng để “karaoke di động” ảnh hưởng cộng đồng

(NTO) Thời gian gần đây, tình trạng “karaoke di động” phát triển rầm rộ từ thành thị đến nông thôn. Với nhiều người, “karaoke di động” là loại hình giải trí mới xuất hiện đáp ứng được nhu cầu vui chơi, ca hát một cách nhanh, rẻ và tiện lợi. Nhưng nếu không biết giới hạn sẽ gây xáo trộn nếp sinh hoạt của mọi người chung quanh, ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng.

Loại hình dịch vụ kiểu mới

Anh Katơr Chuyển (thôn Bà Râu 1, xã Lợi Hải, Thuận Bắc) là một trong những người có nhiều dàn “karaoke di động” tại địa phương. Đến tìm hiểu loại hình dịch vụ kiểu mới này, chúng tôi được anh chia sẻ: Thấy chức năng của dàn karaoke tiện lợi, gọn gàng, dễ di chuyển nên tôi mua 4 dàn, với giá 13 triệu đồng/dàn để làm dịch vụ kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Thường thì bà con trong thôn thuê khoảng từ 11-12 giờ đến 7-8 giờ tối, với giá 30 ngàn đồng/giờ. Lúc đầu, một ngày mỗi dàn karaoke thu được khoảng 700-800 ngàn đồng. Nhưng hiện nay số người thuê đã giảm vì trong thôn Bà Râu 1, 2 đã có thêm 3 điểm cũng làm dịch vụ này…

Ngược về Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, ngồi uống nước mía với anh bạn tại Quảng trường 16 Tháng 4 vào buổi tối khoảng 20 giờ, chúng tôi gặp những người đi bán kẹo kéo cũng mang theo dàn “karaoke di động”. Thấy chúng tôi vẫy tay từ xa, liền chạy tới. Vừa mua, vừa tranh thủ trò chuyện, người bán kẹo kéo cho hay: Muốn khách mua kẹo nhanh, thì phải có cách tiếp thị kiểu mới nên tôi và em họ đã nảy ra ý tưởng mượn tiền góp mua dàn karaoke này, với giá 1,9 triệu đồng, để hát cho người mua nghe. Có lúc khách đòi hát mới mua kẹo, nên mình cũng chìu theo khách.

 
Karaoke di động của những người bán kẹo kéo tại Quảng trường 16 Tháng 4.

Dọc tuyến đường 16 Tháng 4, Hồ Xuân Hương và các tuyến đường khác trong thành phố, vào các buổi chiều hằng ngày có hàng chục loa phát ra từ “karaoke di động” được những người bán kẹo kéo, bánh xốp, quán nhậu bình dân… tiếp thị cho sản phẩm của mình. Ngoài ra, chưa kể số thanh niên nam nữ thuê dịch vụ này về nhà hát cho nhau nghe… Ngồi ở nhà chỉ cần gọi là có người đem đến, một giờ thuê chỉ trả 50 ngàn đồng, vừa ở nhà, mà có thể thỏa sức hát cho đã…!

…Làm ảnh hưởng cộng đồng!

Có thể nói, dịch vụ “karaoke di động” mang lại thu nhập đáng kể cho những người kinh doanh dịch vụ kiểu mới này; đồng thời, đáp ứng được nhu cầu vui ca hát của một số người... Tuy nhiên, việc chọn thời gian hát “karaoke di động” không phù hợp đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt cộng đồng.

Chị Nguyễn Thị Ly (thôn Mông Nhuận, xã Phước Hữu, Ninh Phước) phản ảnh: “Trong thôn, có 10 nhà thì hết 3 nhà thường xuyên hát “karaoke di động” bất kể giờ giấc. Sáng-trưa-chiều-tối, lúc nào nổi hứng thì họ hát và cứ mỗi lần hát thì họ mở âm thanh hết cỡ khiến bà con chung quanh hết sức mỏi mệt, trẻ em không thể học bài, hàng xóm thì sợ mích lòng không ai dám nói…”. Cùng chung cảnh ngộ, một hộ dân ở khu phố 5 (phường Phước Mỹ, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), bức xúc nói: Hát thì không ai cấm, nhưng ít nhất phải chọn thời gian cho phù hợp. Buổi trưa từ 11-14 giờ, hay từ 22 giờ tối trở đi mà hát kiểu này thì không khác gì hành hạ mọi người.

Theo Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm và các huyện xuất hiện tình trạng một số người sử dụng hệ thống âm thanh di động dùng để hát rong bằng hình thức hát karaoke, thường hoạt động vào buổi tối (khoảng 17-22 giờ) gây ồn ào, mất trật tự tại các khu dân cư. Theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội..., Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 38/SVHTTDL-TT đề nghị lãnh đạo Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Công an địa phương, UBND xã, phường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, không để xảy ra tình trạng hát rong bằng hình thức “karaoke di động” ảnh hưởng đến cộng đồng.

Thiết nghĩ, “karaoke di động” là dịch vụ giải trí mới, đem lại sự thỏa mãn nhu cầu ca hát cho mọi người, nhưng nếu không biết giới hạn, hát không đúng nơi, đúng lúc, sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt mọi người. Ngành chức năng cũng cần có biện pháp thích hợp để quản lý dịch vụ giải trí này, tạo ra môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng…