Ngành Công Thương: Hướng đến tăng trưởng bền vững

(NTO) Nhờ đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước và triển khai kịp thời các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nên kết thúc 6 tháng đầu năm 2016, hoạt động ngành Công Thương đã đạt được nhiều kết quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế tỉnh nhà.

Ghi nhận đầu tiên là lĩnh vực công nghiệp (CN), mặc dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn chung nhưng các doanh nghiệp luôn nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường để ổn định phát triển sản xuất, nhờ đó vẫn tạo được những bứt phá cần thiết, đưa chỉ số sản xuất CN (IIP) tăng 0,3% so với cùng kỳ. Trong đó, một số lĩnh vực có chỉ số tăng khá như CN chế biến, chế tạo tăng 5,78%; CN sản xuất và phân phối điện tăng 3,14%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác tăng 10,84%..., góp phần đưa tổng giá trị sản xuất của ngành trong 6 tháng đạt 2.715,5 tỷ đồng, tăng 1,3%.

Đáng nói là lĩnh vực thương mại, vài năm gần đây, hệ thống các chợ, siêu thị ngày được đầu tư phát triển mở rộng theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân trong tỉnh. Nhờ đó, góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm đạt 7.851,8 tỷ đồng, tăng 13,74% so cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân đạt 2.922,9 tỷ đồng, tăng 13,16%; khu vực kinh tế cá thể đạt 4.394,7 tỷ đồng, tăng 12,99%; khu vực kinh tế nhà nước đạt 494,2 tỷ đồng, tăng 14,72%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 31 tỷ đồng và khu vực kinh tế tập thể đạt xấp xỉ 9 tỷ đồng. Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ nói trên, nếu phân theo nhóm hàng cho thấy, nhóm dịch vụ có chỉ số tăng cao nhất với 34,66%; tiếp đến là khách sạn-nhà hàng tăng 21,98%; thương nghiệp tăng 13,07% và du lịch lữ hành tăng 11% so cùng kỳ.

 
Công ty may Tiến Thuận  hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế địa phương.   Ảnh: V.M

Theo đánh giá của Sở Công Thương, trong 6 tháng, các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, "Đưa hàng Việt về nông thôn" và Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã được các doanh nghiệp hưởng ứng tích cực. Từ đầu năm đến nay, ngoài việc hỗ trợ 550 triệu đồng thực hiện 3 Đề án khuyến công quốc gia và trên 323 triệu đồng thực hiện 7 Đề án khuyến công địa phương, ngành Công Thương còn phối hợp tổ chức thành công 3 hội chợ thương mại, 55 chuyến bán hàng lưu động về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, đảm bảo cân đối cung-cầu, nên nhìn chung thị trường 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng, nếu so với tháng 12 năm trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,16%.

Điều đáng ghi nhận nữa, đó là xuất khẩu hàng hóa đã bắt đầu có sự khởi sắc, với tổng kim ngạch 6 tháng đạt trên 39,89 triệu USD, tăng 84,4% so cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như hải sản đạt trên 15,24 triệu USD, tăng 34,3%; nhân hạt điều đạt 24,43 triệu USD, tăng 147%... Đặc biệt, để đảm bảo ổn định thị trường, trong 6 tháng đầu năm, Sở Công Thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra về đăng ký kinh doanh, các quy định về niêm yết giá, đồng thời phối hợp với các ngành liên quan tiến hành 481 lượt kiểm tra, kiểm soát trên các lĩnh vực, mặt hàng; qua đó, phát hiện xử lý kịp thời 91 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 646,43 triệu đồng. Các lĩnh vực như đầu tư phát triển, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành được đơn vị triển khai đồng bộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất...

Đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, mục tiêu của ngành từ nay đến cuối năm là bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2020 để làm định hướng cơ bản phát triển. Trong đó, trọng tâm là tập trung phát huy cao nhất năng lực sản xuất của các công ty, doanh nghiệp, cơ sở hiện có; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đang đầu tư, như: Nhà máy Bia Sài Gòn-Ninh Thuận (giai đoạn 2); Nhà máy Chế biến Muối Khánh Vinh (giai đoạn 2); Dự án Điện gió Công Hải 1…, để tăng năng lực sản xuất mới. Bên cạnh đó, tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển lĩnh vực CN năng lượng điện gió. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ thị trường; triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thị trường, các giải pháp bình ổn giá cả để ngăn chặn việc đầu cơ, găm hàng, tăng giá. Tăng cường phát triển, mở rộng mạng lưới thương mại; thực hiện các đề án khuyến công, đưa hàng Việt về nông thôn…, nhằm tăng sức mua trong dân cư để tiêu thụ hàng hóa cho DN, hướng đến tăng trưởng bền vững.