Mô hình trồng nho Vietgap ở thôn An Thạnh 1

(NTO) Là thôn của xã An Hải thuộc vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN) huyện Ninh Phước, An Thạnh 1 có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó có nho, loại cây trồng thế mạnh của địa phương. Tính đến nay, toàn thôn đã có khoảng 15ha diện tích trồng nho.

Để phát triển chuỗi giá trị nho, được sự hỗ trợ của Dự án HTTN tỉnh, đầu tháng 6-2014, Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp huyện Ninh Phước và Ban Phát triển xã An Hải đã thành lập 2 tổ nhóm đồng sở thích (có chung lợi ích) trồng nho tại các thôn An Thạnh 1 và An Thạnh 2, riêng nhóm trồng nho thôn An Thạnh 1 có 14 thành viên (trong đó có 1 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo). Tham gia các nhóm này đều là nông dân đã có kinh nghiệm trong việc trồng nho. Đến An Thạnh 1 đúng mùa thu hoạch nho vừa kết thúc, chúng tôi nhận thấy các vườn nho đều đã cắt cành, có vườn đang ra hoa hoặc bắt đầu cho trái non. Anh Nguyễn Văn Phái, trưởng nhóm trồng nho thôn An Thạnh 1, cho biết: “Diện tích nho trồng toàn tổ có khoảng 2ha, chiếm tỷ lệ 80% là nho đỏ (Red Cardinal), còn lại 20% là nho xanh NH 01-48”. Sau khi chính thức hoạt động, tổ đã 2 lần được dự án hỗ trợ, lần thứ nhất vào tháng 6-2014, hỗ trợ phân, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho 5 sào nho của 4 hộ thành viên; lần thứ 2 vào tháng 6-2015, dự án hỗ trợ 120 triệu đồng (trong đó có 20 triệu đồng vốn đối ứng của nhóm) cho 10 hộ thành viên để mua vật tư, phân bón, thuốc BVTV.

 
Anh Nguyễn Văn Phái chăm sóc nho mới trồng được 5 tháng, sản xuất theo hướng VietGAP.

Điểm đáng chú ý trong hoạt động của nhóm trồng nho thôn An Thạnh 1 là từ tháng 2-2015, đã có 1,5ha nho được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Qua liên kết sản xuất trong tổ nhóm, lợi ích có thể thấy rõ trước hết là ở khâu canh tác. Theo các thành viên, nhờ tham gia tổ nhóm, họ đã có thêm hiểu biết về quy trình bón phân, xịt thuốc, thời gian cách ly trước khi thu hoạch, bảo đảm tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm của nho. Từ nền tảng có được về sản xuất nho sạch, trong khuôn khổ Dự án HTTN tỉnh, từ cuối năm 2015, tổ nhóm trồng nho thôn An Thạnh 1 bắt đầu tham gia thực hiện tiểu dự án liên kết với Doanh nghiệp (DN) Tư nhân Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ Ba Mọi ở thôn Hiệp Hòa (xã Phước Thuận, Ninh Phước). Qua tiếp cận với tổ, DN cam kết thu mua nho tươi với giá tương đương trên thị trường, trong quá trình liên kết bao tiêu sản phẩm, DN đã tài trợ mở được 4 lớp tập huấn sản xuất an toàn cho nông dân và hướng dẫn quy trình thực hiện theo hướng VietGAP cho các hộ thành viên còn lại. Đến nay, DN đã thu mua khoảng 10 tấn nho đỏ của 3 hộ thành viên trong nhóm.

Việc kết nối với DN đem lại kỳ vọng giúp nông dân trong tổ nhóm có đầu ra sản phẩm ổn định, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương và không còn phải chịu cảnh giá cả bấp bênh, thất thường. Tuy nhiên theo các thành viên trong tổ, việc DN Tư nhân Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ Ba Mọi mua nho sạch trong thời gian qua với giá ngang bằng nho bình thường cần phải xem xét lại.

Để trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP, đòi hỏi phải áp dụng một quy trình chặt chẽ, tốn nhiều công sức, thời gian nên với giá mua theo kiểu đánh đồng của DN đã không tạo động lực cho người nông dân. Trong nhóm trồng nho thôn An Thạnh 1, có nhiều người dành hết diện tích 2 sào hoặc hơn 2 sào nho mà mình có để canh tác theo hướng VietGAP, ngay như anh Phái, dù chỉ có 1,5 sào nho, anh cũng sản xuất hết diện tích theo tiêu chí trên. Vì vậy, để có giá cả hợp lý, các thành viên tổ nhóm yêu cầu DN đánh giá đúng chất lượng sản phẩm khi thu mua.

Theo anh Nguyễn Văn Phái, qua hình thành tổ nhóm đã chứng minh chỉ có liên kết mới tạo cơ hội cho nông dân có đầu ra sản phẩm ổn định, đồng thời thiết lập mối quan hệ làm ăn bền vững, hướng tới mục tiêu tăng thu nhập cho người trồng nho. Với trách nhiệm trưởng nhóm, anh đang cố gắng gắn kết các thành viên trong tổ, kết nối với DN Tư nhân Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ Ba Mọi. Nhưng để đem lại hiệu quả, điều quan trọng là phải tập trung giải quyết khâu tiêu thụ nho VietGAP, thỏa thuận giá cả thu mua hợp lý theo hướng 2 bên (DN và nông dân) cùng có lợi.