Giống nho mới NH01-152: Cơ hội phát triển

(NTO) Thực hiện chương trình đa dạng giống trong sản xuất, tránh rủi ro cho người trồng nho và tăng sức cạnh tranh trên thị trường, từ năm 1993 đến nay, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã thu thập, nhập nội và đánh giá tập đoàn giống nho. Trong thời gian qua, Viện đã nghiên cứu và giới thiệu một số giống phục vụ sản xuất như giống nho ăn tươi NH01-48 (White Malaga), NH01-93 (Black Queen), NH01-96 (Italia) và giống nho rượu NH02-90 (Syrah). Trong đó, giống NH01-48 đã được Bộ NN&PTNT công nhận giống TBKT; các giống còn lại đã được Bộ NN&PTNT công nhận giống sản xuất thử.

Để tiếp tục thực hiện đa dạng cơ cấu giống phục vụ sản xuất, trong những năm qua, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã được UBND tỉnh giao (thông qua Sở Khoa học và Công nghệ) tiến hành nghiên cứu chọn lọc, khảo nghiệm và triển khai sản xuất thử nghiệm giống nho ăn tươi chất lượng cao NH01-152 (Mariaue finger) tại một số vùng trồng nho chính của tỉnh. Đây là giống nho ăn tươi, khi chín quả có màu đỏ tươi, ít hạt (từ 1-2 hạt/quả), độ đường cao (15 -170 Brix), vỏ dày, có mùi vị đặc trưng; chùm thon dài, quả hình bầu dục, mẫu mã đẹp; thời gian sinh trưởng từ cắt cành đến thu hoạch khoảng 115-120 ngày; tỷ lệ đậu quả cao, khối lượng quả trung bình 5,5gr/quả; khối lượng chùm dao động khoảng 400-800gr/chùm; năng suất cao, trung bình 12-17 tấn/ha/vụ (trong điều kiện thâm canh đạt 20-25 tấn/ha/vụ). Chất lượng của giống này tương đương so với sản phẩm cùng loại từ nước ngoài nhập vào thị trường Việt Nam.

 

 
Quang cảnh vườn nho NH01-152 giai đoạn chín bói.

Để thúc đẩy việc mở rộng diện tích, tăng hiệu quả cho cây nho nói chung và giống nho NH01-152 nói riêng, các cấp, ngành cần chú trọng đầu tư về mọi mặt và có chính sách phù hợp: (1) Đầu tư xây dựng bộ giống nho phù hợp phục vụ sản xuất, hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích trồng giống nho mới NH01-152, cần tiếp tục thử nghiệm các giống mới (ăn tươi, nho rượu, sấy khô) để xác định thêm một số giống đưa vào cơ cấu giống nho của tỉnh; (2) hoàn thiện hồ sơ và trình Hội đồng Khoa học Bộ NN&PTNT công nhận giống sản xuất thử; (3) đầu tư để ứng dụng quy trình kỹ thuật canh tác nho chất lượng cao NH01-152 theo tiêu chuẩn VietGAP; (4) nâng cao trình độ về mọi mặt cho cán bộ kỹ thuật, người sản xuất, kinh doanh… để áp dụng giống mới, công nghệ sản xuất tiên tiến, sử dụng các giống chất lượng cao, tăng lợi nhuận và thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác; (5) hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở bảo quản (kho lạnh bảo quản nho ăn tươi), chế biến sản phẩm (rượu vang, nước giải khát, mứt…) và có chính sách khuyến kích các cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm từ nho; (6) cần có chủ trương, chính sách khuyến khích nông dân tiếp cận giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới và tạo điều kiện thuận lợi để người dân vay vốn đầu tư sản xuất; (7) đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nho Ninh Thuận, giúp ổn định đầu ra (trong đó, chú trọng đến giống nho mới NH01-152).

 
Chùm nho NH01-152 trước khi thu hoạch (117 ngày sau cắt cành).

Hiện nay, ở nước ta hằng năm nhập khẩu một lượng khá lớn nho ăn tươi chất lượng cao từ nhiều nước trên thế giới, giá bán các sản phẩm này tại siêu thị dao động từ 80.000-140.000 đồng/kg. Theo thăm dò của các doanh nghiệp thu mua nho, sản phẩm từ giống nho NH01-152 được đưa vào sản xuất theo hướng sản xuất an toàn (đạt tiêu chuẩn VietGAP) thì đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu. Đối với Ninh Thuận, giống nho chất lượng cao NH01-152 cũng như giống nho xanh NH01-48 có thể phát triển mạnh trong thời gian tới bởi các ưu thế sau: (1) Điều kiện tự nhiên (đất đai, khí hậu…) khá phù hợp với các giống nho này. Bên cạnh đó, nguồn lao động dồi dào, cần cù, chịu khó, nhanh tiếp thu và áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất…; (2) giống nho chất lượng cao NH01-152 có tiềm năng năng suất cao, ổn định và chất lượng tương đương với nho ngoại nhập (cùng loại) nhưng giá thành chỉ bằng ½ nên đủ sức cạnh tranh với nho nhập khẩu; (3) trồng các giống nho chất lượng cao NH01-152 và NH01-48 trong điều kiện thâm canh đều cho hiệu quả hơn hẳn giống nho đỏ Cardinal và các cây trồng nông nghiệp khác; (4) quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi về mọi mặt (cây giống, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm…) để nông dân mở rộng sản xuất. Vì vậy, giống nho ăn tươi NH01-152 nói riêng và các giống nho chất lượng cao nói chung hội đủ các yếu tố thuận lợi cho phát triển, kể cả khi Hiệp định TPP có hiệu lực thì nho chất lượng cao của Ninh Thuận vẫn đủ sức canh tranh và đứng vững trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu sang các nước lân cận.