Ninh Thuận - một góc nhìn!

(NTO) Ninh Thuận thuộc vùng Duyên hải cực Nam Trung Bộ, nằm ở ngã ba đường ra Bắc vào Nam và lên Tây Nguyên. Hơn 23 năm sau ngày tái lập tỉnh, Ninh Thuận đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội và đang đứng trước những cơ hội phát triển mới và đầy triển vọng.

Đi lên trong gian khó...

Ninh Thuận nằm trong vùng có điều kiện tự nhiên khô hạn nhất nước ta. Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc, Ninh Thuận bước vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà với nhiều khó khăn, thử thách: xuất phát điểm kinh tế, xã hội thấp; kết cấu hạ tầng yếu kém; vết thương chiến tranh đang cần nhiều công sức và thời gian để hàn gắn.

Ảnh: Đình Nhi

Hơn 40 năm sau ngày giải phóng tỉnh nhà, Ninh Thuận đã có những bước tiến dài trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, nhưng phải nói rằng đến nay “Ninh Thuận vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn...”.

Tiềm năng, lợi thế...

Nhìn về quá khứ, khi thực dân Pháp đặt chân đến Ninh Thuận, không phải ngẫu nhiên mà Pháp cho xây dựng Nhà Ga xe lửa, đường ray xe lửa bằng răng cưa tuyến Tháp Chàm-Đà Lạt để nối liền với khu vực Nam Tây Nguyên. Và đường bộ cũng được làm song song (nay là Quốc lộ 27). Khi đế quốc Mỹ nhảy vào đánh chiếm miền Nam, địch tiếp tục cho xây dựng ở Ninh Thuận: sân bay, cảng biển... Vẫn biết rằng những lựa chọn của những người bên kia chiến tuyến là phục vụ mục đích chiến tranh, nhưng ở khía cạnh khác đã cho thấy địa bàn Ninh Thuận có vị trí đặc biệt quan trọng ở miền Trung và Tây Nguyên. Trong điều kiện hiện nay, Ninh Thuận đang cho thấy vai trò, vị trí quan trọng cả về kinh tế-xã hội, quốc phòng- an ninh trên đất liền và trên biển.

Một tỉnh có điều kiện khá thuận lợi cho sự phát triển: có biển, đồng bằng và miền núi; hệ thống giao thông tương đối thuận lợi (Quốc lộ 1A, Quốc lộ 27, đường sắt, đường thủy, “nằm trong khu vực các tỉnh ven biển miền Trung đang khởi sắc; ở gần Tây Nguyên - vùng có tiềm năng kinh tế lớn và gần miền Đông Nam Bộ - vùng kinh tế trọng điểm phát triển năng động của khu vực phía Nam”.

Cơ hội, triển vọng...

Phải thừa nhận rằng so với nhiều địa phương, tiềm năng và lợi thế của Ninh Thuận không thật sự dồi dào, nếu như không muốn nói là có hạn. Liệu những yếu tố trên có phải là nguyên nhân, lực cản đối với Ninh Thuận. Về khách quan thì đây chỉ là một trong rất nhiều nguyên nhân. Trong xu thế phát triển hiện nay, điều kiện tự nhiên là quan trọng nhưng không phải là yếu tố hàng đầu và quyết định. Nhân tố quyết định vẫn là con người, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII xác định: “Xây dựng và thực hiện cơ chế phát hiện, tuyển chọn, sử dụng, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, coi đây là khâu đột phá”, và khi chúng ta “xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có tâm trong sáng, tận tụy phục vụ Nhân dân và đội ngũ cán bộ, công chức giỏi nghiệp vụ, trung thực, tận tụy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao” sẽ là bước chạy đà để phát triển.

Nhưng “Ninh Thuận đang đứng trước những cơ hội phát triển mới và đầy triển vọng”: các công trình trọng điểm đang được triển khai; các tiềm năng riêng có của Ninh Thuận được khai thác và phát huy hiệu quả; khi 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của cả nước được đầu tư xây dựng sẽ tạo động lực mới cho thu hút đầu tư và tăng trưởng nhanh, bền vững.

Cơ hội, triển vọng của Ninh Thuận là có và không phải địa phương nào cũng có. Vấn đề là biết nắm bắt cơ hội, biến tiềm năng, lợi thế thành hiện thực để phát triển, có như vậy tiềm năng mới không mãi mãi là tiềm năng.