Vấn đề hôm nay:

Sống chung với… độc hại!

(NTO) Là một tỉnh nông nghiệp, những năm qua cùng với phát triển các loại cây trồng nông dân đã sử dụng một lượng lớn phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để bảo vệ thành quả mùa màng của mình. Nhiều bà con nông dân đã xem việc sử dụng phân bón, thuốc nói trên như một lẽ đương nhiên mà không nghĩ rằng tự mình đã “đầu độc” chính mình và môi trường sống bằng các chất độc hại từ phân, thuốc này.

Theo thống kê của ngành chức năng, mỗi năm nông dân cả nước đã sử dụng trên dưới 100 nghìn tấn hóa chất BVTV. Các hóa chất này là loại thuốc độc để tiêu diệt sâu bệnh, sinh vật gây hại cho cây trồng. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng liều lượng, nồng độ theo khuyến cáo thì các chất độc trong thuốc sẽ tiêu diệt cả những sinh vật khác có lợi cho cây trồng.

Nông dân thôn Hữu Đức (Phước Hữu, Ninh Phước) sử dụng thuốc BTVT đưa bao bì bỏ vào hố thu gom.
Ảnh: Sơn Ngọc

Điều nguy hại hơn là việc sử dụng thuốc BVTV trong môi trường “mở” từ đồng ruộng đến vườn cây… nên dễ dàng lan tỏa và xâm nhập vào các môi trường khác như đất, nước, không khí… dẫn đến “phát tán” nguy hại, trong đó có cả sức khỏe của người trực tiếp phun xịt, ngay cả người gián tiếp sống ở khu vực lân cận cũng bị ảnh hưởng theo!.

Đó là chưa kể một số thuốc BVTV có gốc hữu cơ khó phân hủy, thậm chí một số chất nằm trong diện cấm sử dụng nhưng vẫn được sử dụng như không có gì xảy ra!. Theo các chuyên gia, thuốc BVTV nếu không được sử dụng đúng, xử lý đúng nếu tồn tại trong môi trường, khó phân hủy sinh học sẽ theo nước mưa ngấm sâu vào nguồn nước sinh hoạt hoặc tiềm tàng trong không khí, thực phẩm… sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Một thực tế cũng diễn ra hiện nay là nhiều nông hộ chưa có ý thức trong việc thu gom các chai lọ, bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng để xử lý đúng cách mà cứ bạ đâu vứt đó, thường là ném xuống kênh mương mà không “để ý” rằng lượng thuốc còn sót lại trong các bao bì… sau khi sử dụng chiếm khoảng 2% thể tích. Cũng chính từ sự “vô ý” này đã trở thành mối đe dọa thực sự không những đối với môi trường đất, nước, không khí mà còn đối với môi trường sống của cộng đồng…

Để giảm thiểu tình trạng “sống chung với độc… hại”, yêu cầu đặt ra đầu tiên là ngành chức năng cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ, đầy đủ về tác hại của thuốc BVTV và hậu quả khó lường của nó đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của chính người sử dụng để cùng chung tay giải quyết. Ngoài ra, cần hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng, phân loại xử lý vỏ bao bì… để tiêu hủy nhằm hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường. Đồng thời, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV phải thực hiện trách nhiệm đầy đủ theo quy định, nhất là phải hướng dẫn người sử dụng thuốc đúng cách, đúng liều lượng, đúng chủng loại thuốc đối với từng loại sâu bệnh và cây trồng…

Suy cho cùng, mấu chốt của vấn đề vẫn là giúp cho nông dân thật sự hiểu biết về từng loại thuốc BVTV, tránh sử dụng theo “cảm tính” dễ dẫn đến tình trạng: không những “tiền mất tật mang”, mà còn gây hại đến môi trường sống mà trước tiên là chính người sử dụng.