Chuyển đổi cây trồng trong mùa hạn, thành công từ chủ trương đúng hướng

(NTO) Chỉ đạo nông dân không sản xuất lúa ở những khu vực xa nguồn nước, tập trung đầu tư, hỗ trợ chuyển sang canh tác các loại cây trồng cạn là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh trong vụ hè-thu. Đến nay, kết quả bước đầu từ những cánh đồng chuyển đổi cho thấy tính đúng đắn và hợp lòng dân của chủ trương này.

Tại cánh đồng lúa thôn Hiệp Kiết (xã Công Hải, huyện Thuận Bắc), vụ đông-xuân vừa qua sản xuất gặp khó khăn về nước tưới nên hiệu quả thấp. Ứng phó với thời tiết khô hạn, sang vụ hè-thu, huyện chỉ đạo địa phương tập trung sản xuất đậu xanh, bắp lai. Để động viên, khuyến khích người dân, địa phương phát huy tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tích cực tuyên truyền đưa chủ trương của tỉnh đi vào thực tế sản xuất. Với cách làm này, giờ đây, trên những cánh đồng chuyển đổi đã gặt hái được những kết quả bước đầu, bà con đang phấn khởi thu hoạch đậu xanh, năng suất bình quân đạt 1,2 tấn/ha. Anh Nguyễn Bá Trình, thôn Hiệp Kiết, chia sẻ: Sau những ngày thấp thỏm vì thời tiết khắc nghiệt, niềm vui được mùa đậu xanh đã làm tăng thêm niềm tin của nông dân chúng tôi vào chủ trương chuyển đổi cây trồng này.

 
Thực hiện chủ trương của tỉnh, nông dân xã Bắc Phong (Thuận Bắc) chuyển 35 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp lai.

Góp phần làm nên niềm vui trên cánh đồng chuyển đổi phải kể đến công sức của những cán bộ khuyến nông đã trực tiếp xuống đồng cùng nông dân lao động sản xuất. Đồng chí Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Bắc, cho biết: Vụ hè-thu này, toàn huyện chuyển đổi 130ha đất lúa sang trồng các loại cây ít sử dụng nước như: bắp lai, đậu xanh, cỏ voi. Vụ đầu thực hiện chuyển đổi gặp nhiều khó khăn do bà con vẫn “nặng lòng” với cây lúa. Để vận động các hộ tập trung sản xuất đồng loạt trên quy mô lớn, huyện huy động thêm cán bộ ở các thôn, xã, giao trách nhiệm cho từng người bám trụ từng cánh đồng, chân ruộng, chủ động xây dựng kế hoạch giúp người dân trong quá trình chuyển đổi cây trồng.

Huy động đội ngũ cán bộ “vào cuộc” giúp người dân chuyển đổi cây trồng trong mùa khô hạn là cách làm đã phát huy được sức mạnh nội lực để tạo nên những cánh đồng bắp lai, đậu xanh… tươi tốt. Ở xã Bắc Phong có cách làm hay, đó là: Thành lập các tổ, đội sản xuất hoạt động mang tính cộng đồng cao. Tất cả 60 hộ chuyển đổi 35ha lúa ở cánh đồng Huyện Đội và đồng Cây Keo sang trồng bắp lai đã liên kết lại sản xuất theo hình thức 5 cùng (cùng thời vụ, cùng loại giống, cùng áp dụng quy trình kỹ thuật, cùng phòng trừ sâu bệnh và cùng thu hoạch). Các hộ tham gia chuyển đổi không phân biệt giàu, nghèo đều được hỗ trợ giống, hưởng lợi các dịch vụ cấp nước, cung ứng vật tư nông nghiệp như nhau. Nhờ đó, dù là vụ đầu chuyển đổi, nhưng cả cánh đồng bắp mênh mông phát triển đồng đều, hứa hẹn đạt năng suất cao. Đồng chí Nguyễn Châu Cảnh phấn khởi cho biết: Đến thời điểm hiện nay, bắp trở đều hạt là thành công trọn vẹn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, quá trình thực hiện chuyển đổi cây trồng ở vụ hè-thu dẫu gặp khó khăn do thiếu hụt nước tưới, nhưng nhờ các địa phương sử dụng nguồn vốn chống hạn đúng mục đích, kịp thời hỗ trợ nông dân nên sản xuất vẫn đảm bảo đúng theo kế hoạch. Cánh đồng lúa Ruộng Chuối (thôn La Chữ, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước) sử dụng nước tưới từ hồ Tân Giang trước đây mỗi năm sản xuất 3 vụ. Bắt đầu từ cuối năm 2014, nước hồ cạn kiệt khiến sản xuất bị đình đốn. Nhằm tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân, xã đã chủ động tổ chức chuyển đổi, hỗ trợ nông dân khoan giếng lấy nước trồng dưa hấu. Anh Phan Văn Muộn, Trưởng BQL thôn La Chữ, cho biết: Trong vụ này, toàn thôn chuyển đổi 25ha đất lúa kém hiệu hiệu quả sang trồng dưa. Đến nay, bà con đã thu hoạch xong, năng suất bình quân đạt 30 tấn/ha, hộ trồng 1ha lãi khoảng 20 triệu đồng.

Vụ hè-thu này, toàn tỉnh chuyển 340ha đất lúa sang trồng các loại cây chịu hạn. Việc chuyển đổi đạt được mục đích đề ra là đa dạng đối tượng cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng khu vực, nâng cao giá trị đơn vị diện tích, tăng thêm nguồn thu cho nông dân. Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Qua thực tế sản xuất cho thấy, lợi nhuận từ trồng 1ha bắp lai là 21 triệu đồng, cỏ voi 22 triệu đồng, cao hơn so với lúa. Điều đáng nói là, nhờ bố trí cơ cấu chuyển đổi cây trồng đúng hướng nên tận dụng được nguồn phụ phẩm nông nghiệp đáng kể bổ sung thức ăn cho đàn gia súc có sừng duy trì, phát triển ổn định. Kết quả đáng mừng này tạo đà để tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng cạn trong thời gian tới. Theo Kế hoạch số 2809/KH-UBND của UBND tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ mùa năm 2015 gắn với giải quyết nguồn thức ăn cho gia súc trong điều kiện nắng hạn, tổng diện tích đất lúa chuyển sang trồng bắp lai, cỏ… trong vụ mùa là 840ha, tăng 500ha so với vụ hè-thu.