Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận: Đẩy mạnh đầu tư tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

(NTO) Trong 6 tháng đầu năm, tình hình nắng hạn kéo dài ở tỉnh ta đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Đây cũng chính là lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận (Agribank Ninh Thuận) nên gặp không ít khó khăn trong việc đầu tư nguồn vốn tín dụng. Tuy nhiên, với sự điều hành linh hoạt trong thực hiện các giải pháp đẩy mạnh nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực truyền thống là nông nghiệp, nông thôn và tiếp cận lĩnh vực mới nên tăng trưởng tín dụng của đơn vị vẫn đạt khá.

Ông Đặng Ngọc Ba, Giám đốc Agribank Ninh Thuận cho biết: Dự báo được những khó khăn khách quan, ngay từ đầu năm, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh, ưu tiên nguồn vốn vay cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhằm tạo điều kiện cho nông dân khắc phục khó khăn do hạn hán gây ra tiếp tục đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đáp ứng nguồn vốn vay cho chương trình đã được thẩm định, cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp. Đến cuối tháng 6, tổng dư nợ toàn chi nhánh đạt 3.090 tỷ đồng, với 36.184 khách hàng vay, tăng 250 tỷ đồng so cuối năm 2014, tốc độ tăng trưởng tín dụng 8,8%. Trong đó, dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là 2.520 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 81,5% trên tổng dư nợ cho vay. Hoạt động tín dụng tại các chi nhánh, phòng giao dịch đã có sự dịch chuyển mạnh về cơ cấu dư nợ cho vay theo hướng tăng đối tượng đầu tư trung hạn, do đó tỷ lệ vay vốn trung, dài hạn đã chiếm 47,2% trên tổng dư nợ. Công tác triển khai các phương thức cho vay theo hạn mức tín dụng, cho vay lưu vụ đối với các đối tượng là hộ gia đình được đẩy mạnh đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng dư nợ ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

 
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận. Ảnh: Văn Miên

Để tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận vốn vay thuận lợi, ngân hàng đã tập trung củng cố cho vay qua tổ liên kết, thông qua các tổ chức Hội Nông dân và Hội Phụ nữ. Đến nay, toàn tỉnh có 816 tổ vay vốn của Agribank Ninh Thuận, với 29.540 thành viên, tổng dư nợ trên 836 tỷ đồng. Để góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, ngân hàng ưu tiên nguồn vốn vay cho khách hàng vay ở 47 xã trong tỉnh, tập trung cho 11 xã điểm. Nguồn vốn giải ngân ở lĩnh vực này là 859 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ lên 1.176 tỷ đồng, với 22.075 khách hàng vay; trong đó các xã điểm xây dựng nông thôn mới chiếm trên 30% nguồn vốn vay. Ngân hàng đã triển khai sản phẩm tín dụng mới cho vay theo hạn mức tín dụng hộ gia đình. Căn cứ vào tình hình sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình, ngân hàng cấp một hạn mức vay nhất định, tối đa không quá 100 triệu đồng. Đây là sản phẩm mới, có nhiều tính ưu việt đối với hộ gia đình vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, giảm các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi trong giải ngân nguồn vốn…Doanh số giải ngân theo hạn mức tín dụng hộ gia đình đạt 108 tỷ đồng. Thực hiện cho vay lĩnh vực ưu tiên, ngân hàng cho 48 doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn nông thôn, với tổng dư nợ 662 tỷ đồng. Thực hiện Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, ngân hàng đã cho Công ty CP Giống cây trồng Nha Hố vay 15 tỷ đồng để sản xuất các loại giống cây trồng phục vụ sản xuất nông nghiệp, với lãi suất ưu đãi.

Một động thái hết sức tích cực của ngân hàng là chia sẻ khó khăn với nông dân ở các vùng bị ảnh hưởng của hạn hán. Thông qua việc rà soát danh sách khách hàng vay vốn ở các địa phương bị thiệt hại trong sản xuất do hạn hạn, ngân hàng đã cơ cấu lại các khoản nợ; giảm, miễn lãi suất cho vay (lãi suất quá hạn, một phần lãi suất trong hạn) với số tiền 2,75 tỷ đồng, cho 100 khách hàng; nhiều khách hàng khác được vay vốn mới, vì vậy đã tạo điều kiện cho nông dân trong tỉnh có nguồn vốn khắc phục khó khăn trong sản xuất, chăn nuôi, chuyển đổi cây trồng phù hợp để ổn định sản xuất.

Ngân hàng đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong tỉnh hướng dẫn ngư dân có nhu cầu vay vốn để đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; tổ chức cho ngư dân tham quan các cơ sở đóng tàu ngoài tỉnh, tìm hiểu và chọn nơi đóng tàu có uy tín để ký hợp đồng. Đã có 8 ngư dân/ 13 ngư dân được UBND tỉnh phê duyệt cho vay vốn đợt 1 đóng mới tàu cá, tàu hậu cần nghề cá đang triển khai các thủ tục để đóng mới tàu cá, trong đó có 3 trường hợp đã ký hợp đồng với cơ sở đóng tàu. Theo kế hoạch, ngân hàng sẽ giải ngân nguồn vốn vay cho ngư dân vào đầu quý III-2015.

Để đạt được tăng trưởng tín dụng cả năm 2015 là 20%, theo ông Đặng Ngọc Ba, trong 6 tháng cuối năm, Agribank Ninh Thuận xác định mục tiêu là tiếp tục giữ vững, phát huy vai trò ngân hàng thương mại hàng đầu, trụ cột trong đầu tư vốn cho nền kinh tế của tỉnh, chủ lực trên thị trường tài chính, tiền tệ ở nông thôn. Tập trung tăng trưởng tín dụng, ưu tiên đầu tư cho “Tam nông”, trước tiên là các hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Giữ vững vị trí là ngân hàng hàng đầu cung cấp sản phẩm dịch vụ tiện ích, hiện đại có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của đông đảo khách hàng, không ngừng tập trung đổi mới, phát triển mạnh công nghệ ngân hàng theo hướng hiện đại hóa. Đồng hành chia sẻ khó khăn với nông dân ở các địa phương bị thiệt hại sản xuất do nắng hạn kéo dài thông qua việc cơ cấu lại thời hạn vay vốn, bổ sung cho vay nguồn vốn mới để tái sản xuất hoặc mở rộng sản xuất; miễn, giảm lãi suất vay đối với nông dân thật sự bị thiệt hại trong sản xuất do hạn hán gây ra. Bám sát tiến độ triển khai cho ngư dân vay vốn đóng tàu cá theo Nghị định 67 để cùng khách hàng tháo gỡ những vướng mắc, xử lý kịp thời những phát sinh để giải ngân nguồn vốn theo đúng cam kết. Tăng cường cho vay theo hạn mức tín dụng hộ nông dân, cho vay lưu vụ. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định, tuân thủ quy trình và chế độ cho vay, bảo đảm an toàn, hiệu quả vốn vay.