Tôi làm "Nhà báo"

(NTO) Cơ quan tôi vừa ra đời trang thông tin điện tử, việc viết tin bài để đăng được đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua đối với cá nhân, tập thể. Thế rồi, ai nấy ngoài nhiệm vụ chuyên môn lại tất bật lo viết tin, bài. Vậy nên, công chức, viên chức cơ quan ngẫu nhiên trở thành “Nhà báo”.

Thêm việc vất vả hơn, gọi nhau là “Nhà báo” cũng vui vui. Phần tôi, thi thoảng viết bài tham gia đăng báo in, xét ra thì mới "đứng cạnh" nhà báo. Thấy anh em cơ quan hồ hởi với việc gọi nhau là “Nhà báo”, vậy thì sao mình không là “Nhà báo”. Vì tự phong nên xin kể lại việc tôi làm nhà báo ra sao, ít nhiều cũng góp thêm cho cánh “Nhà báo” cơ quan tôi chút ít khái niệm về nghề làm báo và công việc của Nhà báo.

Thuở học trò vốn có năng khiếu về thể thao nên trong nhà trường, ngoài giờ đi học, tôi thường chơi với bạn học lớp trên, người lớn tuổi hơn mình. Có lần, trong đám bạn bóng đá của tôi hỏi nhau: Này, cậu nghỉ học ở nhà làm gì vậy? Anh bạn kia trả lời: Làm “nhà báo”. Nghe, nhưng tôi chẳng hiểu cậu ta làm nghề gì. Tò mò, tôi đem chuyện hỏi cô giáo chủ nhiệm, cô nhìn tôi rồi giải thích: Ngốc ạ, “nhà báo” tiếng lóng là sống báo gia đình, chỉ người không có việc làm sống dựa vào cha mẹ, người thân. Thế rồi, trong dịp chào mừng kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên 26-3, tôi được cô chủ nhiệm phân công phụ trách tờ báo tường của lớp. Hình thức tờ báo thì nhờ bạn có cha mẹ giỏi hội hoạ trình bày, nội dung chia theo chủ đề, lựa chọn những bài thơ, bài viết của những bạn giỏi văn đưa lên. Chỉ đơn giản vậy nhưng tham gia thi toàn trường nếu không đoạt giải nhất, nhì, ba thì "ban biên tập" không biết chui đi đâu. Vậy nên việc đầu tư, chăm chút tờ báo tường của lớp chiếm khá nhiều thời gian của chúng tôi, nó như bài toán khó theo chúng tôi mọi lúc, mọi nơi có thể.

Sau này trưởng thành làm việc cơ quan, tôi được bầu làm chủ tịch công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên giao chỉ tiêu mỗi công đoàn viên trong tháng có một bài đăng trên chuyên trang công đoàn của Báo tỉnh. Tôi có dịp viết bài đăng báo từ lúc đó. Tác phẩm báo chí đầu tay của tôi lúc đó thật “gian truân”. Tôi cứ nghĩ mình thuộc loại soạn thảo văn bản kha khá nên viết bài báo có gì khó. Gửi bài đi đã bốn số báo (thời gian một tháng) ra rồi nhưng chẳng thấy bài viết của mình đâu. Điện hỏi cô Trưởng phòng tòa soạn, cô phân trần: Anh ơi, báo của em ít trang lắm không đủ chỗ đăng đâu, anh viết ngăn ngắn lại giùm em. - Ngắn là bao nhiêu? Tôi hơi khó chịu hỏi lại, không để ý, cô nói: - Cỡ một nửa bài cũ là vừa. Biết bao nhiêu chuyện công đoàn cơ quan tôi đã làm nay cắt bớt thế nào đây! Sau mấy ngày đọc, viết lại, tôi trực tiếp đưa bản thảo đến gặp cô trưởng phòng. Xem xong, cô ôn tồn giải thích: Anh ơi, ngắn nhưng nội dung không thay đổi, thế này chưa được. Tôi bực mình thực sự: Cứ anh ơi thế này là chết tôi, không có bài đăng, công đoàn tôi bị hạ bậc thi đua, bao nhiêu công lao của tập thể đấy cô biết không? Rất may lúc này anh Tổng biên tập báo bước vào, vốn quen nhau qua công việc, anh nói: Em giúp anh ấy viết lại bài cho đăng số tới, anh cứ coi đó là mẫu để viết bài. Sau nhờ chịu khó nghiên cứu tài liệu về viết báo, đọc và nghiên cứu các bài viết của phóng viên báo để rút kinh nghiệm, tôi trở thành cộng tác viên của Báo tỉnh nhà.

Một kỷ niệm khó quên trong lần tôi công tác miền núi, gặp anh phóng viên lâu năm lấy thông tin viết bài, nghe anh trải lòng: Để có một bài báo đôi khi phóng viên phải đi lại cả tuần để gặp đối tượng, người có thẩm quyền nắm tình hình, làm việc không có giờ giấc, nắng hay mưa nên thường rong ruổi khắp nẻo đường trong tỉnh như người đi “phượt” vậy. Chỉ sơ sơ vậy mới biết cánh nhà báo chuyên nghiệp vất vả ra sao để có một bài viết gửi đến bạn đọc. Phần tôi vì lỡ thích “làm nhà báo” nên muốn có tác phẩm đăng báo nhiều lúc mất ăn, mất ngủ. Đang đêm thức giấc ghi ghi, chép chép, vợ dặn việc này việc nọ hay quên… thế là bà xã nghi “Có gì đây, con gà nào …”. Thế nên tự trách, ai bảo thích làm nhà báo để mang khổ vào thân.

Chuyện làm “Nhà báo” của tôi chỉ có vậy. Khi vợ tôi biết chuyện, cô ấy bảo con: Mẹ cấm các con sau này đi học làm nhà báo. Lý do thế nào tôi chẳng rõ nhưng càng cảm phục cánh phóng viên báo chí hơn. Cánh “Nhà báo” cơ quan tôi mà biết chuyện này xem chừng không gọi nhau là nhà báo nữa.