Vấn đề hôm nay:

Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, giảm nhẹ thiên tai

(NTO) Ngay từ xa xưa ông, cha ta đã rất quan tâm đến việc đối phó với thiên tai bão, lũ để phát triển sản xuất, phát triển đất nước. Nhiều công trình trị thủy, đặc biệt là hệ thống đê điều đã được xây dựng và tu bổ để đối phó với lũ, lụt nhằm bảo vệ sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, cuộc đấu tranh phòng, chống thiên tai đã tạo nên bản lĩnh kiên cường của dân tộc. Kế thừa truyền thống của những thế hệ người đi trước, ngay từ những năm đầu của nước Việt Nam độc lập, ngày 22-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 70 thành lập Uỷ ban Trung ương hộ đê, tiền thân của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ngày nay. Để khẳng định tầm quan trọng của công tác phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai ở nước ta; nhằm động viên cán bộ, chiến sỹ và toàn thể nhân dân trong cả nước nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu trong công tác phòng, chống lụt, bão, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; đồng thời để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 21-3-1990 nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Bác, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã quyết định lấy ngày 22-5 hàng năm là “Ngày truyền thống phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai của Việt Nam”.  

Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh sẵn sàng tham gia cứu hộ người dân vùng lũ. Ảnh: Sơn Ngọc

Nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, lại gần 1 trong 5 “ổ” bão lớn của thế giới, nên diễn biến thời tiết, thủy văn rất phức tạp. Mùa bão trùng với mùa mưa, cộng thêm địa hình núi cao sườn dốc, đồng bằng hẹp, trũng là mối đe dọa thường trực đối với sinh hoạt và sản xuất của người dân. Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai, lụt, bão diễn biến hết sức phức tạp, bất thường với quy mô và hậu quả ngày càng nặng nề hơn, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, phá hủy, làm thiệt hại nhiều tài sản; đẩy cuộc sống của nhân dân vùng bão, lũ, thiên tai vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Theo thống kê, trong hơn 30 năm qua tại Việt Nam, bình quân mỗi năm, thiên tai đã làm chết và mất tích khoảng 500 người, bị thương hàng nghìn người, thiệt hại về kinh tế từ 1,0 - 1,5% GDP. Chỉ tính trong năm 2014, tình hình thiên tai, lụt, bão ở nước ta tuy có giảm về số vụ so với trung bình nhiều năm gần đây, tuy nhiên lại có nhiều diễn biến bất thường, bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện sớm hơn; mưa lớn, lũ quét xảy ra nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung. Trong năm, đã có 5 cơn bão, 1 đợt áp thấp hoạt động trên Biển Đông; mưa lớn, lũ quét xẩy ra nhiều tại các tỉnh vùng núi phía Bắc và khu vực miền Trung gây thiệt hại lớn về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam tiếp tục là một trong số 10 nước hàng đầu về tần suất bị thiên tai trên thế giới với những loại hình thiên tai phổ biến là bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán.  Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, năm 2015, do ảnh hưởng của El Nino nên thời tiết sẽ nắng nóng hơn, bão nhiều và sớm hơn, dự báo có khoảng 10 – 12 cơn bão vào biển Đông, trong đó có 5 – 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.

Để chủ động phòng, chống, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, bão, lụt gây ra, yêu cầu đặt ra là các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng cần nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm, nghiêm túc xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn; luôn sẵn sàng, đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ, nêu cao tinh thần trách nhiệm giữa các lực lượng; chủ động phòng tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời và hiệu quả, theo phương châm "4 tại chỗ", kết hợp kinh nghiệm truyền thống với ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, góp phần bảo vệ cuộc sống của Nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước.