Mùa nắng hạn về nông thôn nghe kể chuyện đào ao, khoan giếng

(NTO) Về vùng nông thôn trong mùa nắng hạn, chúng tôi chứng kiến nông dân không chịu khuất phục trước thiên nhiên, họ đã đào ao, khoan giếng, chắt từng giọt nước trong lòng đất để cứu cây trồng, vật nuôi.

Đến thăm rẫy bác Bảy (Đinh Quang Ninh), nằm cách thôn Khánh Phước (xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải), mất 15 phút đi bộ về phía Bắc. Gặp khách, bác Bảy vội thảy bó cỏ voi mới cắt vào chuồng cừu, cười tươi: Chú gặp hên đó, hôm nay tôi có thời gian tiếp khách, chứ vào tuần trước, giờ này đang đứng ngồi không yên, trong lòng như có lửa đốt…

Anh Đinh Quang Ninh, thôn Khánh Phước (Nhơn Hải, Ninh Hải)
chăm sóc giàn táo trong mùa nắng hạn.

Nghe bác Bảy liệt kê hàng chục công việc trong ngày, mới hay mùa nắng hạn nhà nông không hề nhàn nhã như nhiều người nghĩ. Bà con thôn Khánh Phước sống dựa vào nghề nông. Đất đai và khí hậu ở đây chỉ thích hợp với cây hành, tỏi và một số loại cây ăn quả như táo, mãng cầu… Hơn một năm nay, trời “đổi tính” khiến cho nông dân vô cùng cực nhọc.

Hiện nay, các gia đình ở thôn Khánh Phước đều cắt cử người “cắm chốt” trên rẫy chăm đàn gia súc, giàn nho, táo. Câu chuyện nông dân mày mò tìm mạch nước ngầm, khoan giếng, nghe cũng ly kỳ, gian nan như thuở cha ông đi khai phá vùng đất phương Nam hơn 300 năm trước!. Gia đình bác Bảy có 1,2 ha rẫy, trước đây trồng xen kẽ các loại cây: táo, hành, ớt… xanh tốt bốn mùa, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng. Giờ đây, do nắng hạn kéo dài, buộc phải thu hẹp diện tích sản xuất, chỉ giữ lại 2 sào táo, 1 sào cỏ voi làm thức ăn cho đàn cừu 30 con. Cái giếng “khủng” sâu 15 m, rộng 5m đầy nước hồi nào, nay không còn một giọt. “Nhìn những cành táo quắt queo, những đám cỏ voi vàng úa ngã gục do thiếu nước, tôi vô cùng lo lắng, nếu tình trạng kéo dài không những phải dỡ giàn táo, mà đàn cừu cũng kiệt sức, nên mới quyết định thuê thợ khoan giếng”-bác Bảy phân trần.

Làm nông giỏi như bác Bảy không thể nói là nghèo, chỉ riêng 2 sào táo mỗi năm đã “bỏ túi” 60 triệu đồng. Nhưng ở quê, gia đình nào cũng vậy, có dư chút đỉnh là cất nhà to, lo cho con cái học hành, nên vào mùa nắng hạn để có 10 triệu đồng đầu tư khoan một cái giếng phải bán bớt 4 con cừu. Khó khăn là vậy, nhưng mũi khoan đầu tiên khi xuống sâu 20m gặp phải đá ngầm, coi như “công cốc”, cả chủ lẫn thợ mệt nhoài, ngao ngán. Nếu không tiếp tục tìm nước, thì cả giàn táo, đàn cừu trị giá khoảng 200 triệu đồng sẽ mất trắng, thế nên dù chi phí khoan giếng khá cao, nhưng bác Bảy vẫn vay mượn tiền khoan mũi thứ 2. Khi thợ khoan giếng tới, bác Bảy nói chắc như “đinh đóng cột”: Các anh cứ cắm mũi khoan vào điểm này, nếu không có nước tôi chẳng đổ thừa đâu mà lo. May mắn lần này, mũi khoan không đụng đá ngầm, khi xuống sâu 25m mạch nước phun lên, mọi người ôm nhau, cười trong sung sướng.

Chuyện bác Bảy khoan giếng tìm được nước ngầm đã khuyến khích hàng chục hộ dân địa phương mạnh dạn đầu tư khoan giếng. Anh Bùi Quang Thành thổ lộ: Học tập bác Bảy, tôi cũng khoan một cái giếng lấy nước trồng cỏ nuôi cừu. Có nguồn thức ăn đầy đủ, dù cho nắng hạn, cừu vẫn phát triển bình thường, đã có một số con vừa đẻ.

Mùa nắng hạn, nhiều khu vực trong tỉnh vẫn tổ chức sản xuất bình thường, cuộc sống của người dân không bị xáo trộn nhiều. Từ Khánh Phước, chúng tôi về xã Vĩnh Hải, ghi nhận nông dân thuê máy móc ao lấy nước sản xuất. Tại khu vực Bàu Đèo đầu thôn Thái An, có chục cái ao vừa mới được đào, cấp nước tưới cho những giàn nho cách xa 500-800 m. Quyết tâm đào ao của nông dân Thái An không chỉ duy trì màu xanh trong mùa khô hạn, mà còn để cho những giàn nho đậu trái, thu về tiền triệu. Chị Võ Thị Phước cho biết: Khu vực Bàu Đèo có khoảng 20 ha nho, trước đây chủ yếu lấy nước tưới ở Bàu Tró. Từ đầu năm đến nay, hồ Nước Ngọt không đủ nước tiếp cho Bàu Tró, nên các hộ phải tìm những chỗ trũng để đào ao. Cứ thăm dò nơi nào có nước là thuê máy múc, ao này cạn nước thì đào tiếp ao khác. Tôi đã đào 5 cái ao, mua thêm máy bơm hết gần 50 chục triệu đồng mới đủ nước tưới cho 3 sào nho đang kỳ ra hoa và 2 sào mới trồng được 3 tháng. Cùng với chị Phước, hai anh em Nguyễn Lộc và Nguyễn Thái cũng đã chung sức thuê máy múc 4 cái ao, hết gần 30 triệu đồng. Anh Lộc tin tưởng: Trong “cái khó có cái may”, làm nho mùa nắng hạn phí cao hơn, nhưng giá lại rất cao, thời điểm hiện nay đã chạm mức 20.000 đồng/kg, nhiều khả năng còn tăng tiếp. Nếu nông dân chịu đầu tư, thì trồng nho vẫn có lãi.

Đồng chí Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải, cho biết: Bà con trong xã đã đào khoảng 100 cái ao để “giải khát” cho cây trồng. Nông dân tự “cứu mình” trước khi trông chờ vào Nhà nước. Vào mùa nắng hạn, không riêng gì ở Ninh Hải mà bà con ở khắp nơi trong tỉnh tích cực đào ao, khoan giếng, chủ động ứng phó với thời tiết khắc nghiệt. Đúng là ý thức tự lực, tự cường của nông dân rất cao, thật đáng khâm phục!