Tháng 3-2015: CPI trên địa bàn tỉnh tăng trở lại

(NTO) Sau 2 tháng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tăng “âm” thì sang tháng 3, CPI đã chuyển hướng tăng 0,42% so với tháng trước; trong đó nhóm hàng hóa tăng 0,31%, nhóm dịch vụ tăng 0,65%. Nguyên nhân chủ yếu của việc tăng giá tháng này là do giá xăng, dầu, giá gas trong nước được điều chỉnh tăng và ảnh hưởng tăng giá thực phẩm của tháng Tết Nguyên Đán vừa qua.

Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc

Tuy nhiên, theo phân tích của các nhà chuyên môn, CPI tháng 3 so với tháng 12-2014 chỉ tăng 0,26%, đây là mức tăng thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ của các năm trước đây (năm 2014 tăng 0,85%, năm 2013 tăng 1,67%, năm 2012 tăng 2,52%, năm 2011 tăng 6,15%) do một số nguyên nhân chủ yếu như: Giá xăng, dầu, gas trong nước được điều chỉnh giảm mạnh (giá xăng, dầu diezel giảm 20,31%; giá dầu hỏa giảm 18,22%, giá gas giảm 9,23%) đã tác động làm giá nhóm giao thông giảm mạnh ở mức 7,85% và một số nhóm hàng hóa, dịch vụ không biến động nhiều. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,12%, nhóm này tăng chủ yếu một số mặt hàng thực phẩm tăng 3,06% do sử dụng nhiều trong những ngày lễ, tết. Nhóm đồ uống và thuốc lá, tăng 0,05%. Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 2,65%, chủ yếu do giá xăng, dầu giảm mạnh trong tháng 1 và tháng 2 như đã nêu trên; giá vật liệu xây dựng giảm 1,68% do nhu cầu xây dựng thấp, cộng với giá cước vận tải giảm. Nhóm giao thông giảm 7,85%, đây là nhóm có chỉ số giảm mạnh nhất trong 11 nhóm mặt hàng chính, chủ yếu vẫn là do giá nhiên liệu giảm.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 3,51%, tăng mạnh nhất trong 11 nhóm mặt hàng chủ yếu là hoa, cây cảnh tăng 6,29% do nhu cầu nhiều vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 và du lịch trọn gói trong nước tăng 6,89% làm cho giá dịch vụ du lịch trong dịp này tăng.

So với tháng 12-2014, giá vàng tăng 2,79%, bình quân quý I - năm 2015 giảm 3,52%. Ngược lại chỉ số giá đôla Mỹ tăng 0,57% so với tháng 12-2014 và tăng 1,59% so với bình quân cùng kỳ năm trước.