Vấn đề hôm nay:

Để nghề cá phát triển ổn định và bền vững

(NTO) Ngày này cách đây 56 năm- ngày 1-4-1959, khi về thăm ngư dân trên đảo Tuần Châu (Quảng Ninh) và làng cá Cát Bà (Cát Hải, Hải Phòng), Bác Hồ đã căn dặn: “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”. Ghi nhớ và làm theo lời dạy của Người, những năm qua ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nhà đã và đang tập trung nguồn lực phát triển lĩnh vực Thủy sản ngày càng lớn mạnh và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân.

Tỉnh ta có bờ biển dài hơn 105 km nên rất thuận lợi cho nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản. Không những vậy, đối với tỉnh ta thủy sản là một trong những ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp - nông dân - nông thôn, tham gia xóa đói, giảm nghèo, cải thiện rõ rệt cuộc sống của cộng đồng cư dân vùng nông thôn ven biển, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho hàng chục ngàn lao động nghề cá, từ đó góp phần ổn định phát triển kinh tế của tỉnh.

Ngư dân được mùa cá.Ảnh: Kim Hoàn

Chỉ tính trong năm 2014, sản xuất thuỷ sản của tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng tăng số lượng và tàu thuyền công suất lớn, khai thác xa bờ; năng suất nuôi trồng tăng cao do bảo đảm an toàn dịch bệnh, áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới. Đơn cử như, về khai thác hải sản: mặc dù tình hình thời tiết, ngư trường có những diễn biến bất thường nhưng ngư dân đã tích cực theo dõi, kịp thời di chuyển thuyền nghề và chủ động tổ chức khai thác mỗi khi có điều kiện thuận lợi; đồng thời đầu tư tàu cá có công suất lớn, đủ năng lực hoạt động khai thác trên các ngư trường mới, xa bờ. Đáng nói là đã có một số ngư dân mạnh dạn đóng mới tàu lớn để khai thác ở ngư trường Trường Sa gắn với bảo vệ vùng biển của Tổ quốc... Kết quả, trong năm đạt tổng sản lượng khai thác trên 70.350 tấn hải sản các loại, vượt 2,8% kế hoạch, tăng 9,8%. Tổng năng lực tàu cá toàn tỉnh có 2.738 chiếc/272.941CV, tăng 65 chiếc/27.201 CV so với cùng kỳ 2013, tăng chủ yếu ở số lượng tàu cá có công suất lớn. Mặt khác, ngành đã tham gia bảo vệ tốt môi trường biển, góp phần cho sự tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế biển với bảo vệ an ninh trật tự vùng biển, đồng thời vận động ngư dân tổ chức hợp tác sản xuất trên biển, tổ chức dịch vụ hậu cần… nhằm giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cho ngư dân… Đối với nuôi trồng thủy sản, công tác quan trắc môi trường, mầm bệnh tại các vùng nuôi thủy sản tập trung cùng với quản lý vùng nuôi ngày càng được quan tâm, trên cơ sở đó ngành có các khuyến cáo kịp thời về mùa vụ để giúp nông dân chủ động thời điểm thả nuôi, lấy nước nhằm hạn chế rủi ro, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Cũng trong năm qua, sản lượng tôm nuôi nước lợ thu hoạch trên 8.936 tấn, vượt 8,3% kế hoạch, tăng 12,3% so 2013. Nhờ áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nên năng suất bình quân tôm thẻ đạt 8,77 tấn/ha/vụ, cao hơn so với 7,7 tấn/ha/vụ năm 2013. Sản xuất giống thủy sản ngày càng khẳng định thương hiệu của tỉnh. Trong năm, sản xuất hơn 24 tỷ tôm giống, vượt 23,1% KH và tăng 32,4% so cùng thời điểm năm trước...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều điều trăn trở như tình trạng đánh bắt bằng chất nổ gây hủy diệt các loài thủy sản, hủy hoại môi trường… vẫn còn xảy ra ở một số địa phương. Tình trạng tranh chấp nguồn lợi, ngư trường trên biển Đông cũng ngày càng trở nên phức tạp, đe dọa đến quá trình phát triển bền vững và dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng ngư dân. Đó là chưa nói đến đầu ra chưa ổn định và giá cả bấp bênh, ngược lại chi phí sản xuất ngày càng tăng, yêu cầu về chất lượng sản phẩm thủy sản ngày càng cao... cũng làm giảm thu nhập của nông, ngư dân.     

Nhân kỷ niệm 56 năm Ngày truyền thống nghề cá Việt Nam (1-4-1959 - 1-4-2015), để lĩnh vực thủy sản tỉnh nhà phát triển ổn định, bền vững, một trong những yêu cầu đặt ra, đó là mọi tổ chức, cá nhân có liên quan cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, không hoạt động khai thác thủy sản bằng nghề cấm, nghề hạn chế phát triển, nhất là người dân không được thực hiện hành vi khai thác thủy sản mang tính hủy diệt bằng các loại hóa chất, xung điện, thuốc nổ... Tập trung triển khai thực hiện Đề án tổ chức lại nghề khai thác thủy sản, thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ; phát huy lợi thế về sản xuất giống, mở rộng quy mô nuôi tôm thương phẩm theo hướng công nghiệp, ứng dụng quy trình công nghệ nuôi mới cho năng suất cao, bảo đảm môi trường vùng nuôi, từng bước đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến...

Hy vọng nghề cá tỉnh nhà nói chung sẽ tiếp tục có bước phát triển mới trong tương lai không xa.