Ngành Giáo dục và Đào tạo: Chuẩn bị kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015

(NTO) Việc chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2015 đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh, học sinh.

Ngành GD&ĐT tỉnh ta cũng đã khẩn trương triển khai thực hiện các thông tư của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế thi THPT Quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2015, đồng thời chuẩn bị chu đáo việc ôn tập, định hướng chọn ngành nghề, thành lập cụm thi tại tỉnh và đưa đón học sinh tham gia kỳ thi cụm liên tỉnh tại Tp. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).

Giáo viên Trường THPT Phan Bội Châu ôn tập củng cố kiến thức môn Ngữ văn
cho học sinh lớp 12.

Năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 5.500 học sinh lớp 12 THPT và 500 học viên lớp 12 GDTX THPT thuộc các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, thí sinh phải thi 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Theo đó, các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi tự luận, thời gian làm bài 180 phút; các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ thi trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút. Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Đồng chí Lương Hồng Sơn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh cho biết, Sở đã tổ chức cuộc họp triển khai công tác chuẩn bị cho việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2015. Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở GD&ĐT và các trường THPT xác định nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm học là tập trung bồi dưỡng, phụ đạo, củng cố vững chắc kiến thức các môn học cho học sinh khối lớp 12. Thầy, cô giáo căn cứ khả năng học tập của học sinh, định hướng các em chọn ngành đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ và chọn cụm thi phù hợp với kết quả học tập. Đồng thời, phổ biến sâu kỹ quy chế thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ đến phụ huynh, học sinh.

Sở GD&ĐT cũng đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện chu đáo kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 bảo đảm an toàn, phấn đấu đạt kết quả cao nhất. Toàn tỉnh dự kiến có khoảng 4.000 thí sinh đăng ký thi cụm liên tỉnh tại Tp. Đà Lạt, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015. Số còn lại đăng ký thi tại cụm tỉnh, để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT. Thầy giáo Trần Thanh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn chia sẻ: “Năm nay, toàn trường có 238 học sinh lớp 12 thuộc 5 lớp chuyên và 2 lớp không chuyên. Hội đồng sư phạm nhà trường liên tục cập nhật thông tin để phổ biến cho học sinh về các quy định mới của kỳ thi và thông tin tuyển sinh các trường ĐH, CĐ. Nhà trường tổ chức tốt tâm thế và điều kiện đi lại, ăn nghỉ cho các em tham gia thi THPT Quốc gia cụm liên tỉnh tại Tp. Đà Lạt; vận động các mạnh thường quân hỗ trợ chi phí đi lại cho 15 học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, giúp các em có điều kiện tham gia tốt kỳ thi”.

Đến với Trường THPT Phan Bội Châu (huyện Thuận Bắc), chúng tôi gặp không khí dạy và học đang ở giai đoạn “nước rút” chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2015. Thầy giáo Nguyễn Đình Long, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, toàn trường có 127 học sinh lớp 12, trên 60% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các xã đặc biệt khó khăn. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức phụ đạo các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cho học sinh khối 12, với thời lượng 2 tiết/tuần. Từ nay đến cuối tháng 6, nhà trường tiếp tục phụ đạo các môn tự chọn nhằm củng cố vững chắc kiến thức cho các em làm tốt bài thi. Đối với các em đăng ký cụm thi liên tỉnh tại Tp. Đà Lạt, Ban giám hiệu phối hợp phụ huynh tổ chức xe đưa đón, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho học sinh tham gia tốt kỳ thi.

Qua tìm hiểu về công tác chuẩn bị kỳ thi THPT Quốc gia 2015, chúng tôi nhận thấy, Ban giám hiệu các trường THPT cần phổ biến cho phụ huynh và học sinh hiểu rõ Quy chế thi THPT Quốc gia và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015. Qua đó, giúp các bậc phụ huynh, học sinh xác định đúng khả năng học tập để đăng ký đúng cụm thi và định hướng đúng ngành nghề. Đối với các trường THPT có đông học sinh dân tộc thiểu số, các em học môn Ngoại ngữ trong điều kiện thiếu thốn thiết bị thực hành nên không đảm bảo chất lượng. Theo quy chế mới, Giám đốc Sở GD&ĐT cần xem xét, quyết định cho phép thí sinh chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Đối với học sinh lớp 12 thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cần được sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, giúp các em có điều kiện đi lại, ăn ở, tham gia tốt kỳ thi THPT Quốc gia 2015.