Vấn đề hôm nay:

Mừng và lo!

(NTO) Tổ chức kỷ lục Việt Nam vừa chính thức công nhận trong cả nước có 45 địa danh lọt vào Top Việt Nam. Đây là những di tích, danh thắng đã được du khách trong và ngoài nước biết đến, yêu mến và bình chọn.

Trong số này, riêng tỉnh ta đã có đến 7 địa danh, đó là: Đèo Ngoạn Mục (Ninh Thuận-Lâm Đồng); Tháp PoklongGarai (Phan Rang-Tháp Chàm); Tháp Porome (Ninh Phước); Tháp Hòa Lai và Vịnh Vĩnh Hy (Ninh Hải); Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và Làng Gốm Bàu Trúc (Ninh Phước). Có thể nói đây là dấu hiệu đáng mừng của ngành du lịch tỉnh nhà và cũng là kết quả qua nhiều năm nổ lực đầu tư tôn tạo, bảo tồn, xây dựng “thương hiệu”, tạo “điểm nhấn” cho các di tích, thắng cảnh và làng nghề nêu trên. Đồng thời quảng bá với du khách trong và ngoài nước trên các phương tiện thông tin kể cả “tiếng lành đồn xa” về sự thân thiện, hiếu khách của người dân làm du lịch, hơn thế nữa là sự định hình ngày càng rõ nét về văn hóa du lịch và chất lượng các sản phẩm du lịch, từng bước hình thành “chuỗi giá trị” kết nối trong tổng thể các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh từ nghỉ dưỡng tại các khu du lịch biển đến tham quan, mua sắm… tại nhiều điểm du lịch ngoài 7 địa danh nói trên…

Tháp Pô Klongirai trong ngày hội Ka té. Ảnh: Nguyễn Văn Bửu

Mừng là như vậy nhưng nỗi lo cũng không kém phần “thường trực” đối với du lịch tỉnh nhà, đó là vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp từ khâu tổ chức tham quan đến giới thiệu “bài bản” cho du khách tại các điểm đến cũng như các hoạt động phụ trợ khác. Ngoài các cụm tháp được đầu tư tôn tạo, bảo tồn,… một cách quy cũ đáp ứng được nhu cầu thưởng ngoạn, tìm hiểu của số đông du khách thì tại các làng nghề, Vịnh Vĩnh Hy vấn đề môi trường cũng rất đáng ngại. Không ít lần báo chí đề cập đến vệ sinh môi trường tại các làng nghề chưa được bảo đảm, việc tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm và cả tạo “dấu ấn” thương hiệu làng nghề… còn có phần rời rạc, mạnh ai nấy làm, đó là chưa kể đến chất lượng sản phẩm, giá bán sản phẩm chưa đồng nhất mặc dù có cải tiến về mẫu mã để đáp ứng theo nhu cầu, thị hiếu của du khách… Vịnh Vĩnh Hy đẹp như bức tranh thủy mặc nhưng việc tổ chức tham quan như xem rạn san hô bằng tàu đáy kính, tổ chức ăn uống trên các nhà bè, vệ sinh tại cầu cảng, ven vịnh… chưa được tổ chức chặt chẽ mà tự phát là chính. Tuy chưa có nhiều biểu hiện chèo kéo du khách, “chặt chém” giá cả dịch vụ… nhưng việc tổ chức còn nặng tính nghiệp dư này cũng làm giảm không ít tính hấp dẫn du khách.

Nêu ra những vấn đề trên để thấy rằng việc được bình chọn 7/45 danh thắng trong cả nước (chiếm 15%) đã là quá khó, đồng thời cũng là sự khẳng định về niềm tin và yêu mến của du khách trong và ngoài nước đối với tỉnh ta… Thế nhưng, thiết nghĩ để giữ chân và thu hút ngày càng nhiều du khách đến các “điểm nhấn” này qua đó tạo sự lan tỏa rộng ra các điểm đến khác trong tỉnh lại càng khó hơn. Và để làm được đòi hỏi tỉnh và ngành Du lịch tiếp tục có các chính sách khuyến khích để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các làng nghề mạnh dạn đầu tư làm thay đổi bộ mặt đồng thời bồi dưỡng kiến thức làm “du lịch nhân dân” cho các lĩnh vực phụ trợ trong “chuỗi giá trị du lịch” nhằm tạo nên hình ảnh thật sự thân thiện, mến khách của người dân tỉnh nhà nói chung đối với du khách.