Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh

(NTO) Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội 9 tháng năm 2014 trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Ngoài yếu tố khách quan như kinh tế vĩ mô của cả nước tuy có chuyển biến so với năm trước nhưng chưa thật ổn định, tình hình lạm phát tuy được kiềm chế nhưng chưa vững chắc; tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, cắt giảm đầu tư công… đã tác động không nhỏ đến hoạt động kinh tế nói chung của tỉnh.

Tuy nhiên, với tinh thần khắc phục khó khăn, khai thác hiệu quả các lợi thế để phát triển…cộng với sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, có thể nói trong 9 tháng qua bức tranh kinh tế của tỉnh tiếp tục được "điểm tô" bằng những mãng màu sáng và khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, ước tính 9 tháng năm nay tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng 12,6%, cao hơn 3,5% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó khu vực nông, lâm và thủy sản tăng từ 2,4% của cùng kỳ năm trước lên 9,6%; tương tự, khu vực công nghiệp-xây dựng tăng từ 12% lên 21,8% (công nghiệp tăng 26,7%). Riêng khu vực dịch vụ chỉ tăng 11%, thấp hơn so với chỉ số tăng 14,5% của cùng thời gian này năm trước.

 
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH Thông Thuận. Ảnh: Văn Miên

Nhìn tổng thể trong bức tranh kinh tế chung của tỉnh, ghi nhận đầu tiên từ ngành nông nghiệp cho thấy, theo dự báo từ đầu năm tình hình hạn hán có thể xảy ra nhất là ở vụ hè thu, tuy nhiên nhờ thời tiết thuận lợi, đặc biệt là chủ động điều tiết nước hợp lý, sử dụng nước tiết kiệm cho cây trồng… đồng thời ứng dụng khoa học-kỹ thuật mới vào sản xuất từ khâu giống đến các mô hình sản xuất hiệu quả… nên nhiều loại cây trồng đã tăng năng suất và sản lượng. Tổng diện tích gieo trồng 2 vụ đông-xuân và hè-thu đạt 53.588 ha tăng 21,7% so kế hoạch; năng suất một số cây trồng chính tăng khá, nhất là năng suất lúa tăng khá cao, bình quân 2 vụ đạt 66,7 tạ/ha, tăng 7 tạ/ha. Sản lượng lúa đạt trên 192.350 tấn, tăng 12,4% so cùng kỳ. Chăn nuôi tiếp tục tăng về tổng đàn như đàn dê tăng 1,8%, đàn cừu tăng 7,5%, đàn heo tăng 0,4%; riêng đàn trâu, bò giảm nhẹ do khó khăn về nguồn thức ăn. Đàn gia cầm tăng 24,8% so cùng kỳ, trong đó đàn gà tăng 38,7%, đàn vịt tăng 9,3%. Điều đáng nói là dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt nên hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh xảy ra.

 
Nhà máy Thủy điện Sông Ông tại xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) .

Trong 9 tháng, thủy sản cũng là một trong những “điểm nhấn“ với sản lượng khai thác đạt 62.880 tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ; lợi thế về sản xuất giống thủy sản tiếp tục phát huy, quy mô sản xuất được mở rộng, sản lượng 18,2 tỷ con, tăng 19%; tình hình dịch bệnh trong nuôi tôm thương phẩm được kiểm soát, quy trình nuôi mới cho năng suất cao được nhân rộng, sản lượng tăng khá, ước đạt 6.500 tấn, tăng 15%...

So với các năm trước đây, trong 9 tháng qua sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục phục hồi và tăng khá với tổng giá trị sản xuất ước tăng 33,1%. Hầu hết các sản phẩm chính đều tăng như xi măng tăng 36,7%, đường RS tăng 40,5%, tinh bột mỳ tăng gấp 2 lần, tôm đông lạnh tăng 84,3%; đồng thời năng lực sản xuất mới của một số nhóm ngành hoàn thành đưa vào hoạt động tiếp tục phát huy hiệu quả, như thủy điện hạ Sông pha 1, khăn bông Quảng Phú, nhà máy Bia Sài Gòn-Ninh Thuận và đáng nói là trong quý III/2014 một số dự án tiếp tục hoàn thành đưa vào hoạt động, nhất là dự án chế biến thủy sản Thông Thuận, đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng chung của ngành công nghiệp.

 
Sản xuất khăn bông tại Công ty Cổ phần dệt may Quảng Phú (Ninh Sơn).

Hoạt động thương mại có nhiều chuyển biến, đáng nói là Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng có sức lan tỏa, chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” được tổ chức với hiệu quả cao. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 9 tháng ước đạt trên 9.070 tỷ đồng, tăng 14,7% so cùng kỳ.

Đóng góp quan trọng trong việc tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh không thể thiếu hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM). Các ngân hàng tiếp tục thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ vay, triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi có lãi suất thấp, đồng thời ký kết và triển khai chương trình kết nối Ngân hàng với Doanh nghiệp đạt kết quả bước đầu. Đáng ghi nhận là các ngân hàng đã chủ động hơn trong tiếp cận với các doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh khả thi để tạo điều kiện cho DN được tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn, cụ thể như các NHTM đã tiếp cận và cam kết cho 11 doanh nghiệp vay vốn trên 864 tỷ đồng trên các lĩnh vực công nghiệp điện, chế biến thủy sản, nông sản xuất khẩu, phát triển hạ tầng đô thị, nhà ở xã hội và thương mại dịch vụ. Theo thống kê, dư nợ đầu tư vào nền kinh tế của tỉnh ước đạt hơn 9.150 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cuối năm 2013.

 
Muối công nghiệp.
 
 
Đóng gói thành phẩm đường RS tại Công ty CP Mía đường Phan Rang. Ảnh: Văn Miên

Về lĩnh vực đầu tư phát triển, đã huy động vốn đầu tư toàn xã hội trong 9 tháng ước đạt 5.335 tỷ đồng, bằng 70,1% KH năm, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước chiếm 48,9%, còn lại là vốn của các thành phần kinh tế và dân cư. Việc thu hút đầu tư các thành phần kinh tế đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, tăng năng lực sản xuất mới... được duy trì, trong 9 tháng đã có 23 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư (CNĐT) với tổng vốn trên 2.360 tỷ đồng và chấp thuận chủ trương địa điểm 10 dự án khác; đồng thời xử lý theo quy định đối với một số dự án chậm tiến độ và tính khả thi không cao, theo đó tỉnh đã thu hồi giấy CNĐT 2 dự án và hủy bỏ chủ trương 1 dự án. Nét mới trong thu hút ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng là tỉnh đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục đầu tư theo hình thức BT của 4 dự án kết cấu hạ tầng đô thị...

Khó có thể nói hết những nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân trong tỉnh bằng tinh thần sáng tạo, khắc phục khó khăn, chuyển quyết tâm thành hiện thực phát triển...qua đó làm cho bức tranh kinh tế của tỉnh ngày càng có thêm nhiều điểm sáng. Những kết quả đã đạt được trong 9 tháng qua sẽ tạo cơ sở chắc chắn để tỉnh ta hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra trong năm nay.