Khả năng “giữ chân” du khách- Thực tế từ Làng nghề gốm Bàu Trúc

(NTO) Gắn kết du lịch với phát triển làng nghề không phải là chuyện mới. Trên thực tế, mức độ gắn kết ở mỗi làng nghề lại có một “câu chuyện riêng”. Làng gốm Bàu Trúc hiện đang phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, tồn tại, ảnh hưởng đến việc “giữ chân” khách du lịch.

Hiện tại làng nghề gốm Bàu Trúc có 3 doanh nghiệp, 4 Tổ hợp tác và khoảng 150 hộ tham gia sản xuất các sản phẩm gốm truyền thống, với hơn 400 lao động. Tổng doanh thu hằng năm của làng nghề ước khoảng 10 tỷ đồng, thu nhập bình quân khoảng 750.000 đồng/người/tháng. Đã có những nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm phục vụ khách tham quan, gắn kết với du lịch và phát huy thương hiệu tập thể của làng nghề, nhờ đó mà tính riêng 6 tháng qua, làng nghề gốm Bàu Trúc đã tiếp đón khoảng 7.000 lượt khách du lịch đến tham quan và mua sắm. Tuy nhiên, thực tế thì làng nghề này vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập, khiến “con đường” phát triển làng nghề gắn với du lịch bền vững còn gặp không ít “chông chênh”.

Du khách đến tham quan, mua quà lưu niệm tại làng gốm Bàu Trúc. Ảnh: Sơn Ngọc

Đầu tiên phải kể tới vấn đề về vệ sinh môi trường làng nghề. Đồng chí Lê Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân cho biết: Thời gian gần đây, được sự tuyên truyền tích cực từ các ban, ngành, đoàn thể thì người dân làng gốm Bàu Trúc đã có sự nâng cao hơn trong nhận thức về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp chăn nuôi gia súc thả rong, hoặc không tham gia đóng góp phí thu gom rác thải… làm ảnh hưởng xấu đến phát triển làng nghề và mỹ quan đô thị. Theo ông Hồ Sĩ Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá: Thiếu bóng mát, không khí có mùi khó chịu... là những vấn đề tưởng chừng đơn giản nhưng đó lại là nguyên nhân mà một số du khách không muốn dừng chân lại lâu hoặc quay trở lại vào lần tiếp theo, đặc biệt là du khách quốc tế bởi họ thường có một yêu cầu rất cao về vấn đề quan cảnh thiên nhiên và vệ sinh môi trường.

Hợp tác xã (HTX) gốm Chăm Bàu Trúc chính là đại diện đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể Làng nghề gốm Bàu Trúc. Các sản phẩm trưng bày tại đây khá đơn giản, không phải là tập hợp tất cả các mẫu mã hiện có trong làng. Mặc dù rất thích thú và nể phục những bàn tay nghệ nhân khéo léo đã làm ra các sản phẩm gốm thủ công nhưng anh Tạ Văn Cao, một du khách từ TP. Hồ Chí Minh đã từng tới thăm khu trưng bày sản phẩm của HTX gốm Chăm Bàu Trúc vẫn nhận xét: Những sản phẩm mang tính lưu niệm, nhỏ gọn mà khách du lịch như tôi rất thích mua để tiện cầm, dễ trang trí hay kỷ niệm bạn bè thì lại không thấy nhiều mẫu mã để lựa chọn. Khu trưng bày thì khá giản đơn, cơ sở vật chất nói chung cần phải đầu tư và chú trọng thêm nữa. Về mặt tổ chức, ông Phú Văn Hèo là thành viên HTX, cho biết: Kể từ khi thành lập tới nay, nhân sự Ban quản lý (BQL) HTX luôn biến động, không ít lần phải tổ chức Đại hội bất thường để bầu lại chủ nhiệm, BQL... Hơn nữa, HTX gốm Chăm Bàu Trúc vẫn chưa phát huy được tính “đại diện”, vai trò định hướng trong việc sử dụng nhãn hiệu tập thể làng nghề. Giữa các thành viên trong HTX và bản thân HTX với các hộ kinh doanh riêng nằm ngoài HTX cần phải có tiếng nói chung.

Bàn về việc phát triển làng nghề gắn kết với du lịch mà những người trực tiếp làm ra sản phẩm của làng nghề lại chưa thực sự “biết cách làm du lịch” thì khó đạt được “sự gắn kết”. Ở làng gốm Bàu Trúc, số lao động theo nghề dần mai một, khâu du lịch thiếu đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp nên khó chuyển tải hết những giá trị văn hóa tiềm ẩn trong làng nghề cho du khách. Ngay cả khi khách đã mua hàng thì bao bì, nhãn mác cũng khá là “nghiệp dư”, chưa phù hợp với nhu cầu của khách du lịch.

Phải khẳng định Làng nghề gốm Bàu Trúc đặt trong mối quan hệ với hoạt động du lịch có rất nhiều điểm lợi: Giao thông thuận lợi, gần với nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác trên địa bàn như Vườn nho Ba Mọi, hay Làng nghề Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp…, lại được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể làng nghề. Bản thân làng nghề cũng có một sức hút đặc biệt với du khách bởi giá trị văn hóa, nghệ thuật, giá trị lao động chứa đựng trong mỗi sản phẩm thủ công mà người thợ làm ra. Sự nỗ lực, đồng lòng của người dân cùng sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền địa phương nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong khuôn khổ làng nghề như trên đã nêu chính là sự thể hiện tích cực nhất cho “tính chủ động mời khách về” của tập thể làng nghề.