Rong nho “bén duyên” trên vùng đất Ninh Hải

Từ bám rễ trên những đìa tôm “hoang hóa”...

Thời gian gần đây, tình hình nuôi tôm gặp nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi cộng với dịch bệnh kéo dài, một số nông dân trên địa bàn huyện Ninh Hải đã bước đầu chuyển đổi sang mô hình nuôi trồng hải sản khác như: nuôi hàu, ghẹ, cá… nhưng nổi bật hơn là mô hình trồng rong nho (hay còn gọi là rong cầu lục bi). Qua thời gian được đưa về trồng thử nghiệm với nhiều thăng trầm tại vùng đất Ninh Hải, đến nay, loại rong này đã “bám rễ” và phát triển tốt trên vùng ao đìa bỏ hoang nơi đây và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, phải kể đến mô hình nuôi trồng rong nho XJ của anh Trần Hùng, ở Khu phố Cà Đú (thị trấn Khánh Hải).

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy thăm cơ sở nuôi trồng
và chế biến rong nho XJ.Ảnh: VM

Được biết đến như người đầu tiên có công đưa rong nho về trồng tại đây; anh Trần Hùng, quê ở Tp. Phan Rang – Tháp Chàm từng làm việc trong lĩnh vực marketing tại TP. Hồ Chí Minh, với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề anh biết rất rõ rong nho là loại thực phẩm được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Philippines và Hàn Quốc… Qua tìm hiểu cách làm từ mô hình có hiệu quả ở các tỉnh lân cận, anh quyết định trở về quê hương gầy dựng cơ nghiệp. Thời gian đầu anh thuê lại các đìa nuôi tôm bỏ hoang ở khu vực Đầm Nại, sau một thời gian ngắn phát triển rộng ra trên 5ha. Anh Hùng chia sẻ: Tôi chọn thuê lại đìa nuôi tôm bỏ hoang bởi rong nho có khả năng hấp thụ rất nhanh các chất hữu cơ dư thừa trong quá trình nuôi tôm nên sẽ làm giảm mức độ ô nhiễm môi trường nước và đây cũng là đối tượng nuôi trồng thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, khu vực Đầm Nại nơi anh trồng rong nho thường xuyên có gió mạnh đánh rách mái che làm ánh nắng mặt trời rọi trực tiếp xuống mặt nước nên rong chết dần. Sau nhiều thất bại, anh Hùng đã rút ra một kinh nghiệm: Với khí hậu khắc nghiệt như ở Ninh Thuận không thể sử dụng mái che trồng rong nho. Để giữ nhiệt độ từ 200C đến 280C, phù hợp cho rong phát triển, anh đã nâng mực nước từ 1,2m lên 1,4m và trồng theo kỹ thuật riêng. Nhờ đó, rong phát triển tốt nên sau khi thả giống khoảng nửa tháng là cho thu hoạch. Từ những thành công ban đầu, anh Hùng tiếp tục đầu tư 10 tấn giống, với tổng chi phí khoảng 300 triệu đồng về thả trong 2 ao có diện tích 1 ha. Sau một năm, anh lại nhân rộng ra trên 6 ao, với tổng diện tích 5ha. Từ năm 2013 đến nay, sản xuất dần đi vào ổn định, rong nho thu hoạch liên tục, anh tiếp tục đầu tư mở cơ sở chế biến rong tươi mang tên XJ, đến nay sản phẩm rong nho tươi XJ được nhiều người biết đến.

Đến hứa hẹn một hướng đi mới

Rong nho biển, một loại thực phẩm bổ dưỡng, chứa nhiều vitamin A, C và các khoáng chất thiết yếu cho cơ thể. Loại rong đang được trồng và phát triển rất tốt cả về chất lượng và sản lượng tại khu vực Đầm Nại, thị trấn Khánh Hải. Ngoài việc thay thế dần diện tích nuôi tôm không hiệu quả, cây rong nho còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Theo anh Trần Hùng: Với diện tích khoảng 5ha, mỗi ngày cơ sở anh thu hoạch khoảng 100kg, qua khâu sơ chế cũng đã giải quyết khoảng 20 lao động nhàn rỗi ở địa phương. Nhờ có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường, nên anh Hùng rất quan tâm đến "đầu ra" của sản phẩm với chất lượng phải được đưa lên hàng đầu nên cơ sở của anh rất chú trọng đến công đoạn “hậu thu hoạch”. Anh cho biết: Sau khi thu hoạch rong nho từ đìa, rong nho được sơ chế và cho vào quay ly tâm, phương thức làm sạch này sẽ làm giảm 15-20% trọng lượng rong, nhưng ngược lại, rong sẽ giữ được lâu. Kế đến, toàn bộ rong nho đựng trong những hộp nhựa PE trong suốt để lấy ánh sáng mặt trời, nhằm giữ độ tươi lâu 2-3 tuần mà không cần để tủ lạnh. Có thể nói công đoạn hậu thu hoạch là cực kỳ quan trọng, quyết định thành hay bại từ giá cả đến lơi nhuận mỗi mùa vụ. Với giá bán 80.000 đồng/kg, rong nho lại dễ nuôi trồng, ít tốn kém và theo dự báo, rong nho sẽ trở thành món ăn dinh dưỡng phổ biến tại những vùng không trồng được rau xanh. Do đó, các cơ sở này đang có kế hoạch đầu tư mở rộng quy mô nuôi trồng và chế biến.

Tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư trồng rong nho mới chỉ là đơn lẻ, tự phát. Theo thị trường Nhật Bản giá rong nho được bán hơn 100 USD/kg, so với giá bán tại Ninh Thuận thì sự chênh lệch này cho thấy tiềm năng rong nho sẽ không còn bỏ ngỏ nếu được đầu tư đúng mức, công nghiệp hóa công nghệ sau thu hoạch và có chiến lược hợp tác xây dựng thương hiệu, tiếp thị quảng bá tốt đối với các thị trường xuất khẩu... Nếu có chiến lược nghiên cứu và phát triển đúng hướng, rong nho có thể sẽ trở thành thế mạnh trong tương lai gần cho vùng biển Ninh Hải nói riêng, Ninh Thuận nói chung nơi mà có nhiều đầm, vịnh nhất khu vực.