Vĩnh Hải định hướng phát triển kinh tế biển

(NTO) Vĩnh Hải (Ninh Hải) là xã ven biển vùng xa với dân số trên 6.500 người, có tổng diện tích tự nhiên 12.400 ha, cách trung tâm huyện 30 km về hướng đông bắc. Vĩnh Hải được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều cảnh quan thơ mộng như suối Lồ Ồ, vườn Quốc gia Núi Chúa, bờ biển dài đẹp có nhiều rạn san hô và bãi tắm sạch còn nguyên sơ, với thủy - hải sản phong phú, thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, mà điểm nhấn là du lịch sinh thái.

Nhận thức rõ tiềm năng, lợi thế có được, Đại hội Đảng bộ xã Vĩnh Hải nhiệm kỳ 2011-2015 đã xác định cơ cấu kinh tế địa phương là “Dịch vụ du lịch và nông, ngư, lâm nghiệp”. Có thể nói đây là tầm nhìn mang tính đột phá của Vĩnh Hải khi mà thực tế trong cơ cấu kinh tế, Vĩnh Hải chỉ có tỷ trọng 20% đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và 10% làm dịch vụ du lịch.

Điểm du lịch Bãi Kinh, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) thu hút dông du khách.
Ảnh: Văn Miên

Thực hiện chủ trương trên, các cấp ủy từ xã đến thôn từng bước vận động các thành phần kinh tế chuyển đổi dần sang phát triển dịch vụ du lịch và đã được nhân dân trong vùng đồng tình hưởng ứng cao. Chọn du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Vĩnh Hải đã thành lập Ban Quản lý du lịch trên địa bàn do các Ban quản lý thôn và các đoàn thể làm nòng cốt, có nhiệm vụ quản lý các hoạt động tại Khu du lịch suối Lồ Ồ, vịnh Vĩnh Hy. Tuy còn gặp khó khăn về kinh phí, cách thức tự quản nhưng Ban quản lý hoạt động tương đối tốt, đã tạo sự an tâm, thoải mái cho du khách đến tham quan. Nhờ vậy lượng khách du lịch đến địa phương ngày càng nhiều, chỉ tính tại khu vực Vĩnh Hy hằng năm có 50-60 ngàn lượt khách đến tham quan, nghỉ mát, riêng 6 tháng đầu năm nay đã có khoảng 30 ngàn lượt khách.

Du lịch phát triển đã kéo theo các dịch vụ phục vụ du lịch mở ra, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan. Đến nay, chỉ tại khu vực vịnh Vĩnh Hy đã có 12 tàu đáy kính (có 4 tàu của 2 doanh nghiệp tư nhân là người địa phương), 3 nhà hàng và hàng chục quán phục vụ ăn uống, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi. Ngoài các khu nghỉ dưỡng cao cấp do các doanh nghiệp lớn xây dựng, người dân địa phương đã bỏ vốn đầu tư xây dựng 5 cơ sở dịch vụ nhà trọ. Ở thôn Cầu Gãy, có 1 tổ thủ công mỹ nghệ gồm 27 thành viên là phụ nữ Raglai, chuyên làm sản phẩm quà lưu niệm từ hạt cây rừng bán cho khách du lịch, có thêm thu nhập ổn định đời sống. Đồng chí Nguyễn Thanh Dũng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Trong kinh tế biển, ngoài du lịch biển, Vĩnh Hải cũng đang có chuyển biến mới về phát triển khai thác, nuôi trồng thủy sản”. Do có 3 thôn giáp biển nên nghề đánh bắt hải sản của xã Vĩnh Hải khá phổ biến. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn hiện có 157 tàu cá với tổng công suất khoảng 2.802 CV, trong đó riêng thôn Vĩnh Hy có 131chiếc/2.397 CV và có Hợp tác xã nghề cá (lưới đăng) hoạt động hiệu quả. Đặc biệt là Tổ hợp tác khai thác hải sản Vĩnh Hy gồm 35 thành viên, thành lập cuối năm 2013 cũng chuyên nghề lưới đăng đã phát huy hiệu quả, đem lại thu nhập bình quân mỗi người 30-40 triệu đồng/tháng trong mùa hoạt động (5 tháng trong năm). Đối với nghề nuôi tôm hùm lồng trên mặt nước vịnh, nông dân Vĩnh Hy tiếp tục duy trì và phát triển, từ đầu năm đến nay đã thu hoạch khoảng 30 tấn sản phẩm. Nói chung nghề cá và nghề làm du lịch ở Vĩnh Hải đã giải quyết việc làm cho khoảng 600 lao động và kéo theo nhiều dịch vụ khác phát triển.

Đi dọc theo bờ biển Thái An-Vĩnh Hy hôm nay, có thể thấy rõ sự thay đổi sâu sắc của bộ mặt nông thôn mà điểm nhấn chính là tuyến đường 702 ven biển đang xây dựng. Các doanh nghiệp trên địa bàn mà tiêu biểu là nhà đầu tư khu du lịch cao cấp Nam Núi Chúa đã yên tâm đổ vốn xây dựng, tạo việc làm ổn định, góp phần quan trọng cải thiện cuộc sống người dân các thôn Vĩnh Hy, Cầu Gãy, Đá Hang. Gần đây với sự kiện vịnh Vĩnh Hy được bầu chọn là một trong 27 điểm du lịch nên đến của năm 2014 (Theo trang web du lịch giải trí Travelandlleisur), không chỉ là điều đáng mừng cho du lịch tỉnh nhà, mà còn mở ra cơ hội mới cho Vĩnh Hải.

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Dũng, trong định hướng phát triển kinh tế biển những năm đến, Vĩnh Hải tận dụng lợi thế là vùng trọng điểm du lịch của tỉnh và thời cơ đang được đầu tư xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng trên địa bàn, sẽ tập trung chỉ đạo tiếp tục phát triển các loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu được phục vụ tận tình, chu đáo của khách tham quan, du lịch. Về lĩnh vực thủy sản, ngoài phát triển nghề lưới đăng trong vùng vịnh Hòn Tai và vịnh Cọc Bùn, Vĩnh Hải tiếp tục vận động nhân dân duy trì và phát triển nghề nuôi tôm hùm lồng và nuôi tôm xanh (hiện đã có 75 lồng). Trong đó quan trọng nhất là kết hợp với cơ quan chức năng tổ chức tập huấn cho người dân về cách ứng xử, giao tiếp với khách tham quan, du lịch và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư thực hiện tốt các dự án phát triển du lịch trên địa bàn.